Luật Kế toán (sửa đổi) gồm 6 Chương, 74 Điều, quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
Luật chủ yếu quy định những nội dung mang tính nguyên tắc trong hoạt động kế toán nên đều áp dụng cho mọi lĩnh vực, do đó không tách các chương riêng về kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp, mà chỉ có một số quy định riêng cho kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp. Việc quy định cụ thể về chế độ kế toán đối với từng lĩnh vực sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật để phù hợp với thực tiễn (hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định số 128/2004/NĐ- CP quy định về kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước và Nghị định số 129/2004/NĐ-CP quy định về kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh).
Luật áp dụng với 10 đối tượng sau: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước; Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Hộ kinh doanh, tổ hợp tác; Người làm công tác kế toán; Kế toán viên hành nghề; doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Tổ chức nghề nghiệp về kế toán; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
Một trong những điểm mới của Luật Kế toán (sửa đổi) là chứng từ điện tử. Luật đã quy định, chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung quy định tại Điều 16 của Luật này và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.
Trường hợp khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại thì chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.
Luật Kế toán sửa đổi lần này cũng quy định cụ thể về Báo cáo tài chính nhà nước. Theo đó, Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Báo cáo tài chính nhà nước cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước được lập và trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cùng với thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Luật giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Về nội dung công khai của Báo cáo tài chính, Luật quy định đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước công khai thông tin thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước công khai quyết toán thu, chi tài chính năm. Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp. Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung về tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; kết quả hoạt động kinh doanh; trích lập và sử dụng các quỹ; thu nhập của người lao động; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Luật Kế toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Theo ncseif.gov.vn
Theo Tapchitaichinh.vn