|
Các bà nội trợ luôn "đau đầu" mỗi khi đi chợ
|
Mười lần như chục, cứ đi chợ về là bà xã tôi lại rên rỉ về cái sự khó khăn trong chọn lựa thức ăn. Không phải thức ăn ở chợ thiếu, mà là không biết phải chọn thứ gì cho yên tâm.
Thịt bẩn, tôm cá bẩn, rau bẩn và đủ thứ bẩn khác nữa bủa vây người tiêu dùng. Đó là vấn nạn nhức nhối thời hiện đại, thời xuống cấp của đạo đức và lương tâm trong một bộ phận người sản xuất, buôn bán, vận chuyển. Toàn xã hội lên án, các cơ quan chức năng ra tay kiểm tra, truy quét, xử phạt. Vậy nhưng, vì lợi nhuận, vì mưu sinh, người ta vẫn nhắm mắt làm ngơ. Người tiêu dùng như ở giữa ma trận các loại thức phẩm mất an toàn. Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết. Cuối cùng đành nhắm mắt ăn liều, phó mặc cho số phận hên xui vậy (!) Một số gia đình có điều kiện thì cố gắng tự trồng, tự nuôi để dùng. Song, đó chỉ là số đơn lẻ, rất ít.
Xuất phát một phần từ sự quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng, đồng thời đón đầu nhu cầu bức thiết và có thật của xã hội, một số mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch theo quy trình VietGAP đã xuất hiện. VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Quy trình này bao hàm những nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội... Tại Thừa Thiên Huế, mô hình trồng ra sạch ở Hương Long (Tp Huế), La Chữ (Hương Trà), Kim Thành (Quảng Thành - Quảng Điền)... là những mô hình được thí điểm từ rất sớm. Một số lần về Quảng Thành, chúng tôi được biết người nông dân ở đây rất hào hứng tham gia chương trình, năng suất, sản lượng của các mô hình rau sạch rất khả quan.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là đầu ra của rau sạch hết sức nhiêu khê. Ngoài một số được thu mua, tiếp thị, đưa vào một số siêu thị, hoặc đặt ở một vài điểm lẻ ở các chợ, còn thì sản phẩm gần như “tự bơi”, thông tin về rau sạch xem chừng rất mù mờ. Rau sạch ra thị trường lẫn lộn với rau “bẩn”, không cạnh tranh được. Cũng bởi vậy mà không khuyến khích được mô hình. Người tham gia sản xuất ra sạch sinh nản, muốn quay về với lối sản xuất “truyền thống” như thiên hạ cho khỏi nhọc công, nhọc lòng...
Rau sạch, và có thể đã/sẽ có những nông sản sạch khác nữa khó đầu ra. Trong lúc đó, các bà nội trợ và toàn xã hội đang khao khát có được sản phẩm sạch để tiêu dùng (Đây không phải là suy luận cảm tính, đơn lẻ, mà một phóng sự mới phát trên đài truyền hình quốc gia với rất nhiều phỏng vấn ngẫu nhiên đã cho thấy điều này). Đó phải chăng là một nghịch lý?
Việc vận động và được người nông dân hào hứng tham gia VietGAP là một thành công, thậm chí là một điều may mắn cho xã hội, tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là phải giúp họ tính đầu ra cho sản phẩm. Công nhận thương hiệu như thế nào, quảng bá sản phẩm ra sao, đưa đi tiêu thụ ở đâu... Rõ ràng, người nông dân cả đời đeo bám ruộng đồng, một mình họ không đủ sức để trả lời những câu hỏi ấy. Nhưng nếu ngành nông nghiệp, ngành công thương và ngành khoa học công nghệ cùng mở lòng, cùng giang tay hỗ trợ, thì thiển nghĩ, vấn đề sẽ vô cùng đơn giản.
Đơn giản hơn nữa trong ngắn hạn, hãy tạo điều kiện để mỗi ngôi chợ có một quầy bán rau sạch, thịt sạch. Quầy đó miễn phí, chỉ với điều kiện rau, thịt đến bán tại đây phải đảm bảo sạch thực sự, có xuất xứ, có cam kết hẳn hoi. Các bà nội trợ sẽ yên tâm vì có một địa chỉ để mua thức ăn an toàn, còn người nông dân thì có động lực để chăm chút, mở rộng hơn nữa mô hình VietGAP. Một cái quầy miễn phí, nhưng khởi động để giúp xã hội đỡ ốm đau, đỡ thuốc men phiền lụy; giúp người nông dân an tâm sản xuất, sống được và sống tốt với sản phẩm sạch. Sự đầu tư ấy chắc cũng xứng đồng tiền bát gạo.