Cơ hội mở rộng thị trường dệt may
Việc đàm phán thành công các FTA đã, đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng như: Mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may; các doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo nhận xét của ông Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, FTA Việt Nam - EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn về tiếp cận thị trường EU cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các doanh nhân đến từ châu Âu.
Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phân tích, kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta vào EU khi chưa có FTA chỉ đạt khoảng trên 300 triệu USD/năm, nhưng khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, kim ngạch sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc ký kết FTA trong thời gian qua giữ vai trò quan trọng, là cơ sở, tiền đề mở rộng thị trường cũng như tăng kim ngạch xuất nhập khẩu ngành dệt may. Cụ thể, đối với thị trường nhập khẩu, trước đây nguyên phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc chiếm trên 80% thị phần, thì đến nay thông qua các FTA, ngoài thị trường Trung Quốc còn có thêm các thị trường khác như Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhập nguyên phụ liệu với giá phù hợp.
Đối với thị trường xuất khẩu, thông qua các FTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội đưa hàng dệt may tới các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... cũng như tìm kiếm các đơn hàng thường xuyên lâu dài, bạn hàng lớn, con đường đi riêng cho ngành dệt may phát triển.
Ngoài ra, liên quan đến TPP, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng, điểm nổi bật nhất của TPP là tự do hóa rộng rãi về hàng hóa, thuế nhập khẩu sẽ về 0%, thay vì mức hiện nay là 17 - 18%, sẽ tạo ra cú huých lớn và tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam.
Ngành dệt may vẫn còn nhiều thách thức
Ngoài những cơ hội phát triển các FTA cũng sẽ mang đến không ít thách thức lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như: Thách thức về quy tắc xuất xứ và rào cản kỹ thuật; gia tăng sức ép về mở cửa thị trường và năng lực cạnh tranh; thách thức về giải quyết các vấn đề lao động và môi trường...
Hiện nay, ngành dệt và ngành nhuộm của Việt Nam chưa phát triển là do trong nước chưa có công nghệ, quy trình để sản xuất máy móc tại chỗ cho hai ngành dệt và nhuộm, như vậy muốn đầu tư phát triển các doanh nghiệp thì buộc phải nhập máy móc từ các nước khác với giá thành cao, cộng thêm những chi phí cho việc xử lý môi trường tương đối lớn khiến các doanh nghiệp dệt may trong nước phải chọn việc nhập khẩu nguyên phụ liệu thay cho việc đầu tư vào hai ngành này.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, khó khăn của ngành dệt may hiện nay là cả công nghệ và thiết bị đều phải nhập khẩu, do đó, ngành dệt may hiện nay có gần 7.000 cơ sở chỉ thực hiện khâu cuối là cắt - may và hoàn thiện (CMT).
Bên cạnh đó, với chính sách mở cửa thu hút vốn FDI của một số địa phương như giảm thuế đất, ưu tiên mặt bằng cho các doanh nghiệp FDI cũng là nguyên nhân tạo nên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bà Đặng Phương Dung cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có gần 7.000 doanh nghiệp dệt may, trong đó có khoảng 1.600 doanh nghiệp FDI, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này chiếm tới 70% năng lực xuất khẩu toàn ngành (trước năm 2000, các doanh nghiệp này chỉ chiếm dưới 20% tỷ trọng xuất khẩu).
Liên quan đến nguồn nhân công, hiện nay xu hướng người lao động Việt Nam chuyển sang các doanh nghiệp FDI làm với lý do cũng thời gian làm như vậy, nhưng với chuỗi dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI sẽ cho nhiều sản phẩm hơn, người lao động có mức lương cao hơn so với khi làm cho các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, sự chậm trễ tiền lương của một số doanh nghiệp Việt Nam do phải xoay vốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người lao động chuyển sang các doanh nghiệp FDI.
Vấn đề về sức ép đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chính là sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp FDI. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không có cơ sở hạ tầng tốt thì các doanh nghiệp FDI lại có đầy đủ điều kiện về vốn, năng lực và chế độ ưu đãi từ phía Nhà nước, chính vì vậy dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu.
Về vốn, các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đã có lượng vốn lớn để cạnh tranh trong dài hạn, ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc phải xoay sở vốn, họ còn phải đối mặt với nhiều khâu thủ tục hành chính khi có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, vốn FDI khi đầu tư mang theo dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ cao cho năng suất lao động gấp nhiều lần so với sản xuất gia công của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Như vậy, trước những cơ hội và thách thức trên, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, phía Nhà nước nên tạo điều kiện về vốn nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể đầu tư dây chuyền sản xuất nguyên phụ liệu ngay trong nước bằng chính sách thu hút vốn FDI. Đồng thời, cần sớm đưa ra những biện pháp để kiềm chế sự thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Theo thong tin tài chính số tháng 11/2015
Theo Tapchitaichinh.vn