|
Máy gặt đập liên hợp Kubota được anh Tú mua năm 2010 giá trên 500 triệu đồng, nhất xứ đồng Vân Trình hồi bấy giờ
|
“Vua” ruộng
“Địa phương hàng năm đưa vào sản xuất khoảng 700 ha. Ngoài ra, các hộ dân còn thuê thêm ở tỉnh Quảng Trị cùng các xứ đồng khác khoảng 200 ha nữa. Những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi và cơ giới hóa, địa phương luôn chủ trương đưa thêm các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm đảm bảo sản xuất bền vững cho người trồng lúa.”, anh Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, khẳng định.
|
Giữa trưa đến thôn Đông Phú, hỏi nhà “vua” ruộng Nguyễn Văn Tú (40 tuổi), chị vợ tất tả chạy sang nhà hàng xóm “gọi chồng về nói chuyện”. Khác với hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi về một anh nông dân có trong tay vài chục ha ruộng, quanh năm lam lũ với đồng áng, gặp chúng tôi anh Tú trong bộ quần áo sơ-vin tươm tất. Như hiểu được ánh mặt ngạc nhiên, anh Tú cười: “Nông nhàn mà!”
Ngồi kể về “hành trình ruộng đồng” mấy chục năm, khi đã đến độ tuổi tứ tuần, giờ có cả một cơ ngơi nhà cửa, máy móc cơ giới cùng mấy chục ha ruộng trong và ngoài tỉnh, anh Tú thú thật: “Không biết chú muốn tui kể bắt đầu từ đâu, bởi đó là hành trình gian nan. Thôi thì từ cái thuở còn đắp đất be bờ bằng tay nhé!”
Sinh ra trên vùng đất lúa Vân Trình, mười tuổi anh Tú đã biết theo bố mẹ phụ giúp việc đồng áng. Hồi đó, bố anh là Phó Chủ nhiệm HTX. Trong nhà làm 5 mẫu ruộng, nhưng anh em đông, làm lúa chủ yếu “nhờ trời” nên cũng chỉ đủ miệng ăn. Năm 1995, bố anh Tú giao lại sản nghiệp chiếc máy cày cùng mấy mẫu ruộng bên sông Ô Lâu. Chừng đó ruộng còn ít, anh Tú đi các vùng đất khác trong huyện thuê thêm ruộng ở những nơi đất hoang hóa, bạc màu mà dân sở tại “chê” để bắt tay khai hoang trồng lúa. Bản tính chịu khó, các xứ đồng Phong Hòa, Điền Môn, Điền Lộc (huyện Phong Điền) không nơi nào vắng dấu chân anh cày cuốc, be bờ cải tạo ruộng.
Những vụ lúa đầu tiên mang lãi, có chút đồng vốn tích lũy, năm 2001 anh cùng những nông dân “ham ruộng” ở Vân Trình bắt đầu nhìn qua bên kia sông Ô Lâu, hướng đến vùng đất các huyện Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị) để đấu ruộng, giao khoán lại cho các hộ rồi đứng ra cung cấp các dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Anh Tú kể: “Các xứ đồng ở xã Hải Dương (huyện Hải Lăng), có nhiều nơi đất hoang hóa, ngập úng, nông dân ở đó chỉ làm lúa năng suất đạt 2 tạ/sào. Sau khi đi nhiều nơi, tui quyết chọn vùng đất đó đấu ruộng, cải tạo đất trồng lúa. Tui trồng đạt 4 tạ/sào, trừ chi phí còn lãi chán!”
Cũng không phải bắt tay trồng lúa ngoại tỉnh là được ngay. Ngồi kể chuyện, anh Tú nhớ mãi vụ mùa năm 2003 ở xứ đồng Hải Dương. Bận đó mưa lớn, lúa bị ngập úng, khi gặt anh em “nước chấm cằm”, thiệt hại 70% sản lượng. Rồi vụ mùa năm 2007, gặp đợt rét đậm rét hại, 6 ha lúa gieo sạ của anh Tú “chết ngúm” không lên được. Anh Tú phải tất bật cày ruộng, gieo hạt lại từ đầu.
Sau bao năm rong ruổi trên các xứ đồng trong và ngoài tỉnh, giờ anh Tú có 6 ha ruộng thuê ở “ngoại tỉnh”, 30 ha trong huyện Phong Điền và hàng năm anh Tú làm hợp đồng đấu thêm ở các HTX của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) từ 30-40 ha rồi giao khoán lại cho các hộ dân có nhu cầu.
Anh Tú nhẩm tính: “Với một sào mình thuê đất (quy ra thóc) 1,5 tạ lúa cộng các chi phí giống, máy cày, nước, công gặt, vật tư nông nghiệp sau khi hạch toán các chi phí mình còn lãi 30 triệu đồng/ha. Tính riêng 6 ha ruộng thuê ở Quảng Trị mỗi năm mình lãi 180 triệu đồng.”
Với diện tích lúa “khủng” hiện tại cộng với việc đưa giống mới như HN6, Ma Lâm 48, TH5, cùng máy móc cơ giới hóa vào trong sản xuất và “kiêm” luôn cung cấp dịch vụ sản xuất cho bà con nông dân trong làng Vân Trình, mỗi năm hộ gia đình anh Tú lãi từ 300-400 triệu đồng.
Cùng nông dân làm giàu
|
Thành quả lao động trồng lúa “ngoại tỉnh” của anh Tú
|
Ngồi trò chuyện, anh Tú tự hào: “Hỏi về ruộng, anh về Vân Trình là đúng rồi. Bởi, ruộng ở đây cũng như ruộng anh em thuê ở Quảng Trị, người ta chỉ tính diện tích bằng ha, bằng mẫu chứ không ai tính bằng sào. Làm mấy sào ruộng lấy mô ra lãi. Năm 2010, tui sắm được máy gặt đập liên hợp Kubota giá trên 500 triệu đồng. Thời điểm đó là nhất xứ đồng ni. Có ai nói thuê đất làm lúa không làm giàu được?”
Không chỉ làm giàu một mình, anh Tú còn giúp nông dân trong thôn đấu ruộng, bắt tay sản xuất trên các xứ đồng, thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ. Bằng việc sắm máy gặp đập liên hợp, máy cày, làm chủ 1 trạm bơm điện, 3 máy bơm dầu, anh Tú trở thành “chủ nhiệm” của làng lúa Vân Trình.
Anh Tú thú thật: “1 sào lúa nếu gặt tay 300 ngàn đồng, chưa tính công thổi; gặt máy giá 110 nghìn đồng, mình cung cấp máy gặt chỉ giá 100 ngàn đồng, các “bạn ruộng” rất phấn khởi.”
Mỗi lần đến mùa thu hoạch lúa, hộ gia đình anh Tú phải thuê hàng chục nhân công mới quán xuyến hết các công việc. Riêng diện tích ruộng thuê ở Quảng Trị, anh Tú cùng các “cộng sự” của mình thu hoạch xong đều cho xe chở về tới tận nhà. Các hộ có diện tích lúa thuê “ngoại tỉnh” làm nhiều như Trần Minh (2,5ha), Nguyễn Văn Ngọc (2,5 ha), Lê Phước Thạnh (2ha) đều hợp tác làm ăn với anh Tú, mỗi năm từ diện tích lúa trên lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Anh Tú tâm sự: “Có người bảo tui ham ruộng. Mà cũng đúng thôi. Mình làm lúa có lãi, đó là mồ hôi, nước mắt. Vui hơn khi bà con, anh em trong “làng lúa” đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.” Không dừng lại việc thuê lúa ở huyện Hải Lăng, anh Tú cùng với nhóm nông dân thuê đất trồng lúa ngoại tỉnh ở Vân Trình còn “xúc tiến hồ sơ” đấu đất thêm 10 ha ruộng ở địa bàn thị xã Quảng Trị để canh tác.
Chia sẻ sự thành công, anh Tú bảo, không phải anh tài giỏi hơn mà chịu khó hơn thôi. Ruộng ở những vùng hoang hóa, phải “ăn nằm” với đất, nghiên cứu địa hình mà trị thủy. Bởi thế, nhiều nơi nông dân ở các vùng đất sở tại họ làm lúa chỉ đạt năng suất 2 tạ/sào. Anh Tú làm đạt 4 tạ sào. Nhờ thuê đất làm lúa ngoại tỉnh, giờ đây anh Tú cùng nhóm “cộng sự” đã xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn đến nơi đến chốn.