|
Ông Cư đào cây giống để trồng
|
Theo chân người trồng nứa
Từ sáng sớm, ông Phạm Văn Bang, trú tại thôn Võ Xá đã vác rìu, cuốc, rựa đi lùng những bụi nứa cũ. Trong khoảng rộng của những “rừng nứa” ven chân đồi, không khó để người đàn ông này tìm “giống” phù hợp cho hành trình phủ trống diện tích đất còn lại. Ông Bang giải thích: “Chọn nứa để trồng phải chọn loại cây một già và một non (hoặc măng) gắn kết vào nhau qua phần rễ. Cây già làm điểm tựa cho cây non sống, từ đó phát triển thành nhiều cây. Không được chọn hai cây già hoặc hai cây non gắn với nhau bởi ở mảnh đất mới, chúng không thể tương trợ cho nhau để sống”.
Giống nứa ăn cạn trên mặt đất, trong vòng chưa tới 5 phút đã được một cây. Cá biệt có những cây rễ khó thì phải đào sâu, tốn hơn 15 phút mới hoàn thành. Công cụ đào giống cây nứa chỉ cần 3 thứ là rìu, cuốc và rựa. Mỗi loại có một công dụng khác nhau, rìu để tách phần rễ của cây nứa ra khỏi đất, rựa để chặt ngang thân nứa khoảng 1,5 - 2m (chặt thấp trồng dễ chết, chặt cao khó vác) còn cuốc để đào lỗ, sâu khoảng 20-30 phân dưới lòng đất trước khi đặt cây giống vào trồng.
|
Ông Cư vác cây nứa giống vừa đào được đi trồng
|
Thực hiện cho chúng tôi thấy công việc trồng nứa, người đàn ông sinh năm 1964 này bắt đầu bỏ cây nứa giống xuống lỗ rồi lấp đất và thọc, nén chặt đất ở phía chân; đồng thời bỏ đất lên miệng của đầu 2 cây nứa. Vừa làm, ông vừa chia sẻ kinh nghiệm: “Nén chặt đất để tránh hiện tượng tạo vũng nước mưa gây thối rễ, trên miệng thân nứa cũng phải lấp đất không để nước đọng vào gây hư. Đơn giản vậy thôi chứ không biết sẽ thành công toi”.
Thủy Bằng là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây, trong đó có nứa. Loại cây này chỉ thích hợp trồng trong khoảng thời gian từ tháng 9-12 âm lịch hàng năm, khi thời tiết bắt đầu có mưa, đất ẩm. Thời điểm này nứa đã ra măng, vì măng và những cây non chính là nguồn giống để phát triển thành bụi nứa.
Khu vực trồng nứa là các vùng khe, chân đồi, hố. Những vùng này khó trồng các loại cây khác nên được tận dụng hiệu quả để “tăng gia sản xuất”. Trung bình mỗi năm, người dân nơi đây lại tiến hành trồng một lần để phát triển thêm diện tích, bình quân trồng mới khoảng 100 bụi trong vòng 5 ngày.
“Của lồi” ăn mãi không hết
Anh Phan Hữu Khanh, trú tại thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng) nhấn mạnh, nếu đem ra tính toán, hiệu quả kinh tế của cây nứa khó sánh được với giống cây thanh trà tại địa phương, nhưng xét trên nhiều góc độ, cây nứa vẫn được người dân lựa chọn. Trên những vùng đất cằn cỗi, nứa không cần đến phân và bàn tay chăm sóc của người trồng vẫn có thể sống tốt. Mỗi đợt trồng, chỉ sau 5 năm, người dân có thể thu hoạch, măng cứ thể phát triển ra cây mãi nên đó trở thành thứ “của lồi ngồi mãi cũng có ăn”.
Anh Khanh chia sẻ, mỗi bụi nứa phát triển tốt có thể cho thu nhập trên cả triệu đồng. Tuy khoảng tiền kiếm được hằng năm từ cây nứa của mỗi hộ dân không quá 10 triệu đồng, nhưng họ không mất công chăm sóc, nguồn tiêu thụ luôn ổn định, thương lái đến mua tận nhà. Đồng thời, đây cũng là nguồn nguyên liệu của nghề làm tăm hương đang phát triển ở một số vùng của Thủy Bằng với thu nhập khá. “Cây nứa ở đây nhiều công dụng lắm. Không chỉ để người dân chẻ tăm hương mà họ còn mua về làm vành nón, vè trồng hoa,… Mỗi cây được bán với giá khoảng 10.000-15.000 đồng và thị trường rất ít khi biến động”, anh Khanh nói rõ.
Ngẫm lại lợi ích cây nứa, ông Phạm Cư, Trưởng thôn Võ Xá khẳng định, với những người nông dân của Thủy Bằng, khi công việc bên ngoài cực khổ và khó tìm, trồng nứa và kiếm thu nhập từ cây nứa được xem là một hướng đi khá hiệu quả. Do vậy, dù không là cây trồng truyền thống, nhưng các hộ dân ở Thủy Bằng vẫn nhân giống phát triển diện tích nứa mỗi năm. Ông Cư cho biết, Võ Xá và Vỹ Dạ là hai thôn có số lượng người trồng nứa nhiều nhất của Thủy Bằng. Riêng tại thôn Võ Xá có 47 hộ với 171 nhân khẩu thì 100% người dân nơi đây đều trồng nứa và có nguồn thu nhập từ nứa. Diện tích trồng nứa toàn thôn khoảng 10ha. “Người trồng ít thì vài chục bụi, người nhiều lên đến hàng trăm bụi.