|
Một cơ sở nuôi yến ở phường Vỹ Dạ
|
Lãi cao
Chiều tối, khảo sát quanh một vòng ở các tuyến đường Nguyễn Sinh Cung, Phạm Văn Đồng, Việt Bắc, Lưu Hữu Phước, Võ Thị Sáu, Thanh Tịnh (TP. Huế), nhiều bóng cây lao xao tiếng yến nghe nhạc dẫn dụ về tổ. Từ trên những nhà cao tầng đã đục lỗ sẵn ven các tuyến đường, yến đổ về đen đặc.
Ông Tôn Thất Minh (đường Việt Bắc, phường Vỹ Dạ), một hộ nuôi yến cho biết: “Năm 2011, trong một lần lên sân thượng chơi, thấy chim yến về quanh nhà nhiều nên tui thuê thợ từ trong Nha Trang ra làm “chuồng”, đặt máy dẫn dụ cho yến đến ở. Đầu tư ban đầu hơi nhiều vốn một chút, với diện tích tầng sàn 80m2 (trong tổng số 135m2) với gỗ sồi sấy khô gắn lên tường bê tông, máy phun sương, máy sưởi ấm hết 135 triệu đồng. Sau khi đặt máy dẫn dụ yến về ở xong thì thanh toán tiền cho thợ.”
Với diện tích 4 phòng nuôi, cứ 20m2/phòng, ông Minh đặt hệ thống 20 loa để dụ yến. Nuôi chim yến lấy tổ không cần thức ăn mà chỉ tốn công dọn phân, một ít chi phí thuốc phun xịt diệt côn trùng như kiến, gián gây hại đến chim non hoặc gây mùi hôi khiến chim yến bỏ đi. Mỗi năm, đàn yến làm tổ từ 2-3 lần. Với số lượng đàn lên đến 3.000 con, 4 phòng nuôi, ông Minh thu được 1.200 tổ (mật độ 10cm có một tổ), tương đương 12kg. Với giá hiện tại 1gram yến 3 triệu đồng, mỗi năm ông Minh thu từ đàn yến trên 300 triệu đồng.
|
Tổ yến ở Huế được ưa chuộng vì hàm lượng dinh dưỡng cao
|
Ông Minh thổ lộ: “Đầu tư thành công ngay năm đầu tiên, tui đã lấy được lại vốn ban đầu rồi. Nuôi yến chỉ tốn ít chi phí, trong khi thu lãi về rất lớn nên nhiều người tận dụng diện tích nhà ở để nuôi. Cứ 2-3 tháng dọn phân một lần, chú ý duy trì nhiệt độ phòng yến ở dưới 30 độ C là được. Còn dịch bệnh thì do đây là chim yến hoàn toàn tự nhiên, hầu như mình không phải tiêm phòng gì cho nó cả.”
Hiện, chỉ chiều tối ông Minh dùng máy dẫn dụ yến về, còn ban ngày gần như giữ không gian yên tĩnh cho “chuồng” nuôi yến. Ông Minh cũng cho biết, do triển khai mô hình nuôi chim yến từ năm 2011 nên thời điểm đó đến nay vẫn chưa xin giấy phép nuôi loài chim này từ các cơ quan chức năng.
Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT về quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến nêu rõ: Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế địa phương; cơ sở nuôi chim yến phải có trang phục bảo hộ, người làm việc và khách tham quan phải mặc trang phục bảo hộ của cơ sở và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến; nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần; trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y…
|
“Mình nuôi vệ sinh sạch sẽ, điều chỉnh âm thanh không ô nhiễm tiếng ồn cho khu dân cư. Nếu có sự cố dịch bệnh thì phải báo cho cán bộ phường là được”.- ông Minh nói như phân trần.
Hộ ông Lợi (đường Phạm Văn Đồng), bà Trang (đường Lưu Hữu Phước) cũng tận dụng diện tích 2 tầng thượng từ 100 - 150m2 để đưa vào nuôi đàn trên 3.000 con chim yến. Mặc dù mới triển khai nuôi trong một vài năm trở lại đây nhưng do lãi cao nên các hộ dân này vẫn duy trì số đàn, sản xuất tổ yến “bán thô” ngay tại nhà.
Theo những hộ dân nuôi yến, do yếu tố đất Huế có vùng đầm phá rộng lớn, không khí trong lành, nhiều cây cối nên có nguồn thức ăn phong phú cho loài chim này vì thế tổ yến đạt chất lượng tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Các hộ dân nuôi yến hiện nay đang có ý tưởng mở mô hình tham quan, bán yến thô, chế biến cho du khách ngay tại nhà mình.
Bất cập khâu quản lý
Với lợi nhuận cao, nhiều hộ dân đang đầu tư tận dụng không gian nhà để nuôi chim yến tự phát, đặt ra nguy cơ về quản lý dịch bệnh, môi trường trong khu dân cư. Đây là loài chim di trú, sống theo đàn, có phạm vi hoạt động rộng nên số lượng đàn khá lớn, lên đến hàng nghìn con. Hiện, dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp nên vấn đề nuôi yến trong khu dân cư, nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đang làm nhiều hộ dân lân cận lo lắng. Năm 2013, đàn yến của một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận bị nhiễm cúm A/H5N1 phải tiêu hủy là sự cảnh báo.
Anh Nguyễn Huy Quang - Cán bộ Địa chính - Xây dựng - Môi trường phường Vỹ Dạ cho biết: “Từ trước đến nay, cũng có một số trường hợp người dân phản ánh về tình trạng nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm từ những hộ nuôi chim yến ra khu dân cư. Theo thống kê, toàn phường hiện nay có khoảng 6-7 điểm nuôi chim yến, đa số người dân nuôi tự phát nên việc quản lý cũng gặp khó khăn”.
Anh Huy cũng cho biết thêm: “Hộ dân nào có nhu cầu nuôi chim yến tại nhà thì phải làm mẫu đơn, có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, điều chỉnh âm thanh máy dẫn dụ yến không gây tiếng ồn trong khu dân cư, khi dịch bệnh xảy ra thì phải báo ngay cho địa phương để phối hợp cơ quan thú y, trung tâm y tế có phương án xử lý. Đối với các trường hợp nuôi tự phát thì địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền người dân về xử lý môi trường, dịch bệnh trong khu dân cư.”
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 25 điểm nuôi yến, trong khu vực nội thị thành phố có gần 10 điểm, chủ yếu là người dân tự phát nuôi nên nguy cơ dịch bệnh là có thật. Hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đang giao cho các địa phương quản lý chứ vật nuôi này không ai cấp phép. Khi các hộ nuôi có thông báo dịch bệnh thì phối hợp với địa phương tiến hành phun thuốc, tiêu độc khử trùng khu vực đó”.
Ông Hưng cũng thừa nhận: “Việc xử lý các hộ dân nuôi trong nội thị chủ yếu do bên trật tự đô thị như ngăn cấm thay đổi kết cấu nhà, đặt máy dẫn dụ yến gây tiếng ồn… còn trong xử lý hành chính đối với người nuôi chim yến thì hiện nay chưa có chế tài, văn bản nào hướng dẫn.”