|
Công ty Scavi Huế - một trong những dự án mang lại hiệu quả cao
|
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, năm 2015, Thừa Thiên Huế có khoảng 600 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 9% so với cùng kỳ; tổng vốn đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã cấp mới 09 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký gần 452 triệu USD.
Với lợi thế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây..., Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư. Tận dụng cơ hội của cộng đồng kinh tế ASEAN để nhắm đến đối tượng kêu gọi đầu tư là những doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, Thừa Thiên Huế là địa phương đạt mức tăng trưởng khá so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Các chính sách thu hút, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn đã được triển khai nhiều năm qua. Lãnh đạo tỉnh cũng đã cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, trong đó điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và thuận lợi nhất; xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng BOT, BTO... Các khu công nghiệp, khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực của tỉnh cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Trong thu hút đầu tư, Thái Lan là thị trường rất lớn, có nhà đầu tư mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm chuyên môn; đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Đây là cơ sở để Công ty Việt - Lào - Thái quyết định tổ chức đường bay giữa hai nước với nhiều triển vọng. Phía Thái Lan, cũng nhận thấy Thừa Thiên Huế là thị trường tiềm năng để tập trung đầu tư. Những tăng trưởng của Công ty CP trên lĩnh vực thủy sản, tạo hình ảnh tốt cho các nhà đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, Laguna, trước khi đầu tư tại Thừa Thiên Huế là đơn vị đã đầu tư tại Thái Lan về du lịch có thương hiệu nên cũng tạo thêm niềm tin khi nhà đầu tư của Thái Lan đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Hiện, có hơn 150 nhà đầu tư của hơn 60 doanh nghiệp của Thái Lan đến tìm hiểu thị trường ở Huế để đầu tư.
Tạo điểm nhấn
Dự kiến, trong năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thu hút được khoảng 15 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt 208 triệu USD. Doanh thu ước đạt 650 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 1.600 tỷ đồng. Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang chủ động tìm các đối tác Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… và đẩy mạnh quảng bá. Chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh đến các đối tác phát triển có uy tín, thương hiệu nhằm tạo ra các dự án có tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
|
Hiện có bốn nhóm dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020, gồm: Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; sản xuất công nghiệp; du lịch; dịch vụ khác. Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới sẽ là các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá; Xây dựng cảng biển, dịch vụ cầu cảng, cảng du thuyền; hạ tầng khu đô thị, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu phi thuế quan; công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ; chế biến nông lâm thủy sản; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; giáo dục và đào tạo.
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết: “Để thu hút đầu tư hiệu quả, trước hết cần xác định TP Huế là du lịch, dịch vụ; khu Chân Mây tạo ra hướng phát triển cho toàn bộ Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Khu công nghiệp Phong Điền là khu phụ kiện dệt may và chế biến cát, mở cảng Điền Lộc tạo ra cửa ngõ làm động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực này….”.
Giao thông vận tải cũng là yếu tố quan trọng để tạo động lực cho nhà đầu tư, chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup, việc đầu tư đối với tập đoàn này vốn không khó nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Ban đầu, chủ đầu tư chỉ đầu tư tòa nhà trung tâm thương mại với quy mô 15 tầng, nhưng sau khi Thừa Thiên Huế mở đường bay từ Bangkok - Huế và ngược lại, tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng tòa nhà 33 tầng kết hợp phát triển trung tâm thương mại và khách sạn với các dịch vụ kèm theo. Sự “đứng chân” vào địa bàn Thừa Thiên Huế của Tập đoàn Vingruop giúp cho các nhà đầu tư nhỏ khi đầu tư vào Huế yên tâm hơn về thị trường.