Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thời cơ & chủ động
Ngày cập nhật 05/01/2016
(TTH) -   Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN trên địa bàn khi thuế suất đối với các sản phẩm xuất khẩu sang các nước thành viên TPP trở về 0% nếu thực hiện đúng các quy tắc trong đàm phán. Để đón đầu thời cơ, các DN đang dốc sức và tập trung nguồn lực, thụ hưởng ưu đãi. 

Các DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu thực hiện các quy tắc xuất xứ

Cơ hội vàng

Ngành dệt may được xem là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi TPP ký kết. Với con số khoảng 30 DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khi TPP ký kết, các DN trên địa bàn sẽ được hưởng lợi lớn khi thuế suất từ 17-20% trở về 0% và tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 550 triệu USD và trên 20 ngàn lao động có việc làm.

Để thụ hưởng các ưu đãi từ TPP, Công ty CP Dệt may Huế đang chạy đua tìm kiếm các khách hàng mới, tiềm năng nhằm khai thác nguồn hàng FOB để chủ động lựa chọn nguyên phụ liệu sản xuất. Hiện, DN đã đàm phán thành công với 2 đối tác lớn của Mỹ là Tập đoàn Resources và OSA, sang năm 2016 sẽ tăng thêm thiết bị, nguồn nhân lực nhằm tập trung sản xuất hàng FOB cung ứng cho đối tác. “Để chủ động nguồn nguyên liệu và nhân lực tăng năng lực sản xuất, dệt may Huế đang tập trung mọi nguồn lực, đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng các nhà máy sản xuất hàng phụ trợ và đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Đầu năm 2016, các dự án sẽ triển khai và đến cuối năm sẽ đưa vào hoạt động, đón đầu thời cơ và thụ hưởng ưu đãi từ TPP”, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong cho biết.

Sản phẩm sợi sẽ có thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn khi TPP ký kết

Với xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI đón đầu hiệp định, các khu công nghiệp (KCN) nằm ở gần cảng, sân bay như Phú Bài, Phú Đa, La Sơn sẽ có cơ hội lớn trong thu hút đầu tư. Khi TPP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” buộc các DN phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ có sự thay đổi lớn, giảm thiểu sự phụ thuộc Trung Quốc và Đài Loan. Vì vậy, dòng vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may tăng mạnh do hiệu ứng TPP.

Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, ông Phan Văn Xuân cho biết: “Hiện KCN hỗ trợ ngành dệt may đã được UBND tỉnh phê duyệt tại KCN Phong Điền do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư trên diện tích 400ha, dự kiến vốn đầu tư hạ tầng kinh tế kỹ thuật cho dự án khoảng 1.600 tỷ đồng. Đầu tháng 12/2015, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với các tập đoàn sản xuất hàng phụ trợ dệt may lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các dự án nên đây sẽ là cơ hội tốt nhằm đón đầu thời cơ trước thềm TPP, tạo nguồn nguyên liệu dệt may ổn định đáp ứng các quy tắc trong đàm phán. Năm 2016, ban tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới đến Huế triển khai dự án, đồng thời huy động các nguồn vốn đầu tư các dự án xử lý nước thải, hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN để đáp ứng yêu cầu theo cam kết trong TPP”.

Sản xuất bàn ghế từ sợi nhựa phải nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với đối tác khi TPP ký kết

Trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và bàn ghế từ sợi nhựa, mặc dù lâu nay thuế suất ở mức 0%, song khi TPP ký kết, các DN sẽ có cơ hội cọ xát với nhiều thị trường hơn, đặc biệt là hai thị trường lớn Mỹ, Canada. Qua đó, giúp mở rộng sự lựa chọn đối tượng cung ứng cũng như nhập khẩu trên thị trường thế giới. “TTP sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa các đối tác nhập khẩu, trong đó bản thân DN sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như trang bị kiến thức hội nhập cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động sản xuất trực tiếp và quan trọng hơn là mở rộng quy mô sản xuất. Sự cạnh tranh giữa các khách hàng sẽ gay gắt hơn nên chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải nâng cao và hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển bền vững”, Giám đốc Công ty CP Phước Hiệp Thành, ông Nguyễn Văn Phước thừa nhận.

Phải tuân thủ quy tắc

Chủ tịch Hội DN tỉnh, ông Nguyễn Mậu Chi cho hay: “Toàn tỉnh có trên 5.500 DN, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên luồng gió TPP chưa thực sự có hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa chưa cao. Để giúp DN nắm bắt các thông tin cần thiết, chủ động thời cơ thụ hưởng các ưu đãi từ TPP, Hội DN đã và đang tổ chức các hội thảo chuyên đề về TPP, mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam về nói chuyện và cung cấp các thông tin liên quan. Mong muốn lớn nhất của hội khi bước vào sân chơi lớn này đó là xây dựng chuỗi sản xuất và kinh doanh giữa các DN lớn với DN vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ để cùng nhau phát triển.”

Mặc dù là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực, song các DN dệt may không thể bỏ qua các quy tắc “cứng” để biến thách thức trở thành cơ hội. Trong đàm phán TPP, đối với lĩnh vực dệt may, các thành viên đưa ra quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Đó là tất cả các khâu từ sợi cho đến vải, cắt, may đều phải được thực hiện trong các nước TPP, khi đó sản phẩm dệt may mới hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Song, lâu nay tỷ lệ vải nhập khẩu dùng cho hàng may mặc xuất khẩu tương đối nhiều, hơn 70% từ Trung Quốc và các nước ngoài thành viên.

Với quy tắc này, các DN dệt may gặp nhiều thuận lợi từ TPP, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu hội nhập. Lý giải về điều này, Giám đốc Công ty CP dệt may Thiên An Phú, ông Phạm Gia Định phân tích, để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP, hàng DM xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ xuất xứ từ sợi, vải, cắt may tại các nước TPP. Đây là một trở ngại lớn cho các DN trong tỉnh, bởi hiện nay, ngành DM phải nhập khẩu 70-90% nguyên liệu từ các nước ngoài TPP nên không đủ điều kiện để hưởng lợi từ thuế suất 0%. Vì vậy, để vượt qua rào cản, các DN không còn cách nào khác là phải tự vắt óc, huy động tối đa mọi nguồn lực tự sản xuất nguyên phụ liệu và chuyển hướng nhập khẩu sang các nước thành viên.

Đối với lĩnh vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, một trong những quy định của TPP để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu. Trong số các nước thành viên TPP có khoảng một nửa quốc gia có gỗ xuất khẩu mà DN có thể nhập về như Úc, New Zealand, Mỹ, Chile, Canada... Việc nhập khẩu này mang lại lợi ích kinh tế khá nhiều nên các DN không e ngại vấn đề xuất xứ khi gia nhập TPP. “Với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt trên 2 triệu USD và thị trường chủ yếu là Châu Âu, song để chuẩn bị bước vào sân chơi lớn này, trước mắt DN đầu tư trên 5 tỷ đồng để trang bị một số máy móc hiện đại và thay thế các thiết bị lạc hậu nhằm nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, sẽ hợp tác với các DN trong nước để tìm tiếng nói chung và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên TPP”, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế, ông Lê Dương Huy chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương, ông Võ Phi Hùng khẳng định: “Để chủ động và đón đầu thời cơ khi TTP ký kết, sở sẽ tạo mọi thuận lợi, cơ chế chính sách phù hợp để giúp DN thụ hưởng các ưu đãi từ TPP. Trước mắt, tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư để chủ động các vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư thiết bị, công nghệ để đa dạng hóa nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác quốc tế nhằm phát triển ổn định và bền vững, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may giai đoạn 2025 định hướng đến 2030 nhằm thu hút các dự án sản xuất hàng phụ trợ cung cấp cho các DN trên địa bàn.”

Theo Tapchitaichinh.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 22
Chung nhan Tin Nhiem Mang