Cho nên quy hoạch và thực hiện cho được quy hoạch là một việc không dễ dàng. Nó buộc phải có tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Và cũng buộc nó phải thận trọng.
Trong thực tế đã có nhiều khu vực dân cư, nhiều doanh nghiệp mắc kẹt trong quy hoạch. Đối với các khu dân cư, là sự mắc kẹt trong tổ chức cuộc sống. Muốn xây cái nhà cũng không xây được. Muốn di dời đi nơi khác cũng không xong. Đối với các đơn vị kinh tế là phá vỡ mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Thử nhìn ở góc độ kinh tế, xem thử quy hoạch, di dời nó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp A đã tồn tại hàng chục năm. Trong hàng chục năm đó doanh nghiệp đã dày công xây dựng thương hiệu. Sản phẩm đã có uy tín trên thương trường. Vì quy hoạch nên buộc doanh nghiệp phải di dời. Theo luật định, vì quy hoạch mà phải di dời, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ di dời. Nếu mọi thứ diễn ra như thế thì quá tốt. Thực tế ở đây diễn ra không được như vậy. Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh cũng không được, muốn di dời thì phải đợi kinh phí hỗ trợ di dời. Nhưng sự hỗ trợ này chưa biết đến khi nào. Nghĩa là quy hoạch đó không biết khi nào thực hiện. Thành ra doanh nghiệp mắc kẹt.
Mắc kẹt thứ nhất: doanh nghiệp không thể định hướng được kế hoạch sản xuất kinh doanh ổn định được. Muốn đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhất cũng phải biết tài sản đầu tư sẽ khấu hao trong bao nhiêu năm. Ví dụ như 5 năm. Vì không biết di dời bất kỳ lúc nào nên không doanh nghiệp nào đầu tư trong hoàn cảnh như vậy. Vô tình, quy hoạch đã làm yếu dần năng lực của doanh nghiệp.
Ngoài yếu tố vật chất là yếu tố nguồn nhân lực. Doanh nghiệp nằm trong thế “ tiến thoái lưỡng nan” sẽ có những tác động vào tâm lý của nguồn nhân lực. Rất có thể những người có năng lực sẽ tìm cách chuyển đi nơi khác. Những người ở lại tâm lý cũng không ổn định thì hệ quả kéo theo là điều có thể nhận biết trước. Hiệu suất lao động sẽ giảm, kéo theo sẽ là thu nhập giảm. Đây là một sự mắc kẹt thứ hai của doanh nghiệp.
Hoạt động trong thương trường đầy tính cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ rơi vào một thế kẹt thứ ba. Một doanh nghiệp bao giờ cũng có những đối tác, chẳng hạn như đối tác về nguồn vốn, đối tác về cung cấp vật tư, đối tác về tiêu thụ sản phẩm. Khi anh hoạt động ổn định, những mối quan hệ này sẽ tin cậy, bền chặt, điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tổ chức hoạt động. Khi doanh nghiệp bị đặt trong thế “chưa biết sẽ như thế nào”, rất có thể những đối tác nói trên sẽ “dè chừng” hơn trong sự hợp tác. Hệ quả kéo theo là doanh nghiệp sẽ yếu đi về nguồn lực, giảm sức cạnh tranh.