Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước
Ngày cập nhật 13/01/2016
(TTH) - Việc người dân dùng khá phổ biến các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vùng đầu nguồn sông, suối ở huyện miền núi Nam Đông đang gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến người canh tác cũng như sản phẩm nông nghiệp…

Nguy cơ ô nhiễm

Ghi nhận tại xã Thượng Quảng, dọc nguồn suối Khe Pó chạy qua địa bàn xã là nơi ruộng nương canh tác của bà con, một số nơi các chai lọ chứa thuốc trừ sâu, diệt cỏ sau khi sử dụng còn vứt ngổn ngang trên ruộng, kênh mương thủy lợi, gần khe suối.

Các chai, lọ thuốc BVTV sau khi dùng ở Nam Đông do chưa có điểm thu gom nên vứt ngổn ngang trên ruộng, bờ kênh, khe suối

Ông Lê Kỹ (thôn 7), cho biết: “Một năm hai vụ bà con ở đây làm ruộng, trồng sắn, keo đều sử dụng thuốc trừ cỏ, hiệu quả rất cao... Cán bộ khuyến cáo ít dùng, nhưng không dùng thuốc thì làm cỏ quá mất công.”

Các loại thuốc trừ cỏ nông dân Thượng Quảng thường dùng như Bravo 480 SL, Avatoc, glyphosate, thuốc cháy, có dung tích từ 350-650ml, được bà con mua ở chợ Khe Tre hoặc các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã với giá vài chục nghìn đồng/chai. Sau khi sử dụng xong, các chai lọ, bao bì do chưa có điểm thu gom để xử lý nên người dân thường vứt ngổn ngang quanh chân ruộng, khe suối; còn các bình phun thuốc nhiều hộ dân rửa ngay cạnh khe suối. Theo ước tính, các loại chai lọ, bao bì chiếm khoảng 10% tổng khối lượng thuốc tiêu thụ.

Trong khi đó, hiện nay ở xã Thượng Quảng do địa hình, điều kiện khó khăn nên vẫn chưa có hệ thống nước máy, người dân chủ yếu dùng hệ thống nước từ giếng tự đào. Tình trạng bà con trồng rừng keo, cao su từ 1 đến 2 năm đầu tiên đều không phát quang mà sử dụng thuốc trừ cỏ, phun thuốc trị sâu bệnh ở những vùng đồi cao nên nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước rất lớn.

Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng thừa nhận: “Thượng Quảng có 58 ha lúa, 55,4 ha sắn cùng hơn 1.000 ha rừng keo, cao su nên hàng năm lượng thuốc BVTV bà con sử dụng khá lớn. Tại xã có một cán bộ phụ trách sản xuất và hai cán bộ nông nghiệp của huyện tăng cường, chúng tôi luôn có khuyến cáo bà con thận trọng, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, liều lượng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm đất, nguồn nước.”

Tại các địa phương như Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật có khoảng 150 ha lúa cùng cả nghìn ha keo, cao su. Tình trạng sử dụng thuốc BVTV cũng diễn ra khá phổ biến, trong khi đa số là dùng hệ thống nước tự chảy. Tuy nhiên, hiện chỉ mỗi địa phương Hương Giang có bể chứa các chai lọ thuốc BVTV sau khi đã sử dụng.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, người dân cần sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Khi chọn mua thuốc BVTV nông dân cần biết rõ loại dịch hại cần phòng trừ để chọn thuốc đúng; xác định lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và nồng độ pha loãng của thuốc trong nước để phun; phun thuốc đúng lúc kịp thời vào thời điểm dịch hại trên đồng ruộng và phun thuốc đúng cách sao cho thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại…

Tình trạng ô nhiễm đầu nguồn do thuốc BVTV còn xảy ra ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà). Toàn xã có 715 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó, hệ thống nước tự chảy, cung cấp cho khoảng 40% hộ dân trong xã. Số còn lại là sử dụng nước giếng, nước ngầm. Trên thượng nguồn khe Điêng (gần dốc Cần Câu), tình trạng bà con bơm thuốc diệt cỏ, phun thuốc cho cây cao su, xử lý mủ tươi cao su ngay tại nguồn nước, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Thận trọng dùng thuốc BVTV

Ông Trần  Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết: Trước thực trạng nhận thức của bà con nông dân về thuốc BVTV còn hạn chế dẫn đến dễ lạm dụng và không lường trước những nguy cơ về sức khỏe con người cũng như ô nhiễm nước, làm hoang hóa đất, Phòng kết hợp với trạm BVTV, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến cáo bà con không lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc có nguồn gốc, nằm trong danh mục cho phép và tăng cường dùng các chế phẩm sinh học.

Ông Võ Anh Luyện, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nam Đông khẳng định: Hàng năm, trên địa bàn huyện sử dụng trên 1 tấn thuốc BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại thuốc được sử dụng đa số nằm trong danh mục cho phép, có nhãn mác rõ ràng. Bước vào đầu vụ, thời cao điểm dịch bệnh, đơn vị thường cử cán bộ về cơ sở có sự hướng dẫn, khuyến cáo cho bà con sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời điểm sao cho hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường và thường xuyên kiểm tra các cơ sở bán thuốc BVTV trên địa bàn. Điểm khó khăn hiện nay là trên địa bàn do thiếu kinh phí nên chưa xây dựng được điểm thu gom các chai lọ, bao bì thuốc BVTV được sử dụng. Việc người dân vứt các phế phẩm này quanh ruộng, trong kênh mương gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 468
Chung nhan Tin Nhiem Mang