|
Ý tưởng quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được thể hiện trên bảng vẽ để các nhà nghiên cứu chuyên gia góp ý tư vấn
|
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và Hàn Quốc.
Phát huy giá trị của sông Hương
Với mục tiêu xây dựng cảnh quan hai bờ sông Hương một cách bài bản, khoa học, hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên, là nơi tổ chức các sự kiện và lễ hội Quốc tế…, dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được lập và nghiên cứu trên phạm vi hơn 15km2, từ điểm đầu ở khu vực đồi Vọng Cảnh đến điểm cuối ở phố cổ Bao Vinh, tiếp giáp xã Hương Vinh (Hương Trà), một bên là làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu (Phú Vang), gồm 1 khu vực chính là TP Huế và các khu vực phụ, gồm: Vọng Cảnh, Thủy Xuân, Thủy Biều, Kim Long, Phường Đúc và Tiên Nộn (Phú Vang).
Phạm vi nghiên cứu mỗi bờ cách mép sông Hương trung bình 200m, chiều cao các công trình tối đa 4 tầng, tùy từng vị trí để khống chế chiều cao ở mức phù hợp, như khu vực cồn Dã Viên chiều cao tối đa dưới 11m, khu vực Bao Vinh dưới 11m, tương đương dưới 3 tầng…
Mật độ xây dựng cũng được khống chế tùy theo vị trí. Với vùng Phú Cát, duy trì hiện trạng mật độ xây dựng, khu vực cồn Hến khống chế mật độ xây dựng 30%, cồn Dã Viên 10%, Thủy Biều 20%.
Tại hội nghị, đa số các ý kiến thống nhất với các nội dung tại đồ án quy hoạch chi tiết do Tổ chức KOICA thực hiện và mong muốn sớm triển khai các công trình, dự án sau quy hoạch để phát huy giá trị của sông Hương.
Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định, sau khi hoàn chỉnh, công bố quy hoạch chi tiết, tỉnh, TP Huế sẽ có kế hoạch đầu tư dài hạn cho đôi bờ sông Hương. Mục đích của việc thực hiện quy hoạch cũng là nhiệm vụ quan trọng của dự án là phát huy được giá trị của sông Hương không chỉ để phục vụ du lịch mà còn tạo ra những giá trị thặng dư, giúp người dân Huế có thể làm giàu từ các dịch vụ bên bờ sông, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Riêng dự án thí điểm sẽ tạo được điểm nhấn cho đô thị Huế, là nền tảng để triển khai các dự án tiếp theo.
|
Các chuyên gia Hàn Quốc trao đổi bên ngoài hội nghị
|
Trước khi thực hiện báo cáo dự án, UBND TP Huế đã lấy ý kiến ở 40 cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Riêng dự án thí điểm, ban đầu cơ quan tư vấn Hàn Quốc đưa ra 6 dự án, tuy nhiên sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân, cơ quan chức năng, cơ quan tư vấn đã chọn dự án “Liên kết phố đi bộ và cải tạo công viên khu vực trung tâm phía Nam bờ sông Hương”.
Dự án thí điểm được quan tâm
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương có nhiều ý tưởng mới lạ và những đề xuất, giải pháp có giá trị hơn một số dự án trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số sai sót nhỏ về địa danh, câu chữ, di tích lịch sử văn hóa cần quan tâm. Nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến những sai sót về địa danh vì đây đều cơ bản là những địa danh nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Riêng dự án thí điểm, ông Phan Thuận An nhấn mạnh: “Dự án là sự sáng tạo của cơ quan tư vấn và các cơ quan liên quan mà giới nghiên cứu, những người yêu Huế tâm đắc. Trong đó, việc phục hồi công viên Hoàng gia ở cồn Dã Viên là ý tưởng hay, cần được ủng hộ thực hiện. Việc kết nối tuyến đi bộ ở bờ Nam sông Hương có thể là công trình để đời cho con cháu”.
NGƯT Đỗ Xuân Cẩm băn khoăn: “Nếu triển khai tuyến kết nối đi bộ không khéo, bờ sông Hương sẽ thành bờ sông Hàn, nhất là khu vực từ cầu Phú Xuân đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khu vực này hiện là mảng xanh khá đẹp nên cần nghiên cứu, xem xét lại để duy trì hệ thống cây xanh phù hợp”.
Trên cơ sở dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, Tổ chức KOICA còn giúp thực hiện dự án thí điểm, với tên gọi “Liên kết phố đi bộ và cải tạo công viên khu vực trung tâm phía Nam bờ sông Hương”. Mục tiêu của dự án là hình thành không gian chuyên biệt trung tâm và đường đi bộ nối xuyên bờ sông Hương dành cho hoạt động giải trí, vui chơi của người dân du khách. Dự kiến, sẽ hoàn thành vào tháng 4/2017 để xem xét tổ chức festival, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,8 triệu USD.
|
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phan Tiến Dũng kiến nghị, cần có sự kết nối giữa Đập Đá với các khu vực lân cận. Đối với dự án thí điểm, nên có sự lựa chọn các sân khấu. Theo ông Phan Tiến Dũng, sân khấu chính để tổ chức các lễ hội nên chọn ở vị trí công viên gần cầu Gia Hội, Trịnh Công Sơn.
Đồng quan điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, nên xây dựng sân khấu chính biểu diễn các sự kiện ở công viên Trịnh Công Sơn, bởi khu vực này khá phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm cải tạo các công viên hai bên bờ sông Hương theo hướng hài hòa với cảnh quan hai bên bờ sông.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu Huế… Những ý kiến đóng góp sẽ được tỉnh, các đơn vị tư vấn cân nhắc bổ sung để hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm trước khi công bố. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho hay, trước khi thực hiện dự án, việc nghiên cứu các quy hoạch trước và thực tế đã được triển khai khá kỹ. Các ý kiến thu thập được từ phía Nhân dân, nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn cũng đã được bổ sung, đưa vào đồ án quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan luôn cầu thị lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để hoàn thiện đồ án theo hướng có lợi nhất cho tỉnh, TP Huế và quan trọng nhất là người dân Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, với dự án thí điểm, việc đầu tư xây dựng tuyến đi bộ kết nối, chỉ thực hiện một phần chứ không phải là toàn bộ diện tích từ mặt nước cạnh mép sông đến phần đất hiện hữu và chủ yếu vẫn dành quỹ đất cho thảm cỏ, cây xanh, do đó sẽ đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, mềm mại. Các đài quan sát, sân khấu chính cũng sẽ được bố trí phù hợp với cảnh quan hai bờ sông Hương.