Năng suất cao
Tham quan vườn mít khoảng 2 ha (hơn 700 cây) của hộ ông Nguyễn Hinh (thôn 10, xã Hương Hòa), mới thấy được hiệu quả kinh tế khá cao do giống cây mới này mang lại.
|
Mít viên linh cho năng suất cao, triển vọng cho bà con Nam Đông
|
Ông Hinh cho biết: “Mít Viên linh được tui đưa về trồng khoảng chục năm trở lại đây. Đây là giống cây lai tạo giữa mít Thái Lan và Việt Nam nên cho năng suất cao. Trồng đến năm thứ 4 là cây cho quả, bắt đầu năm thứ 7, thứ 8 cây đạt năng suất cao nhất, cá biệt, có thể lên đến 250-300kg trái tươi/cây”.
Hộ ông Hinh ban đầu chỉ trồng vài chục cây, thấy cây sai trái, ông cải tạo trang trại, mở rộng diện tích trồng hơn 700 cây. Ông nhẩm tính: “Với diện tích cây mít Viên linh hiện tại, một cây cho bình quân 100kg quả, giá từ 3-5 nghìn đồng /kg quả tươi, tui thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm”.
Theo ông Hinh, cây mít Viên linh khá dễ trồng, ít tốn công, chi phí chăm sóc mà cho năng suất rất cao. Ngoài bước vào vụ chính từ tháng 4-5 dương lịch, bán mít chín, mít tươi để đưa vào Nam chế biến thì những tháng còn lại người dân có thể bán mít non làm thực phẩm.
Mít Viên linh với đặc tính quả lớn, bình quân từ 4-5kg, có khi đạt 10-15kg/quả, trong khi đó thân cây lại nhỏ, khá cao nên người trồng chú ý nền đất, dùng các đòn đỡ để chống ngã đổ.
Ông Lương Chức (thôn 8), một hộ trồng mít chia sẻ: “Thường ở Nam Đông vào mùa gió lớn từ tháng 3-4, đúng vào thời điểm cây sai trái, quả lớn làm cây yếu đi, nền đất do mưa nên bị nhão, cây rất dễ gãy đổ. Vì thế, trước thời điểm mưa gió trên cần tỉa ít nhánh với những cây cao, dùng gỗ, tre chống đỡ giúp cây vững. Khi đến mùa thu hoạch cũng phải hái đúng cách để cây cho trái nhiều vụ sau”.
Ông Diệp Hải Triều, Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hương Hòa cho biết: “Cây mít Viên linh trên địa bàn có khoảng 4ha, chỉ có hộ ông Nguyễn Hinh là trồng tập trung, còn lại chủ yếu trồng phân tán trong vườn nhà, mỗi gia đình từ vài chục đến vài trăm cây. Cây mít cho năng suất cao, nhưng hiện ở Nam Đông giá thấp, khó bán nên phần nào ảnh hưởng thu nhập của bà con”.
Cần vùng quy hoạch
Hiện cây mít Viên linh được trồng trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 10 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hương Hòa, Thượng Nhật, Hương Sơn… Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa nhận định: “Cây mít Viên linh cho năng suất cao, phù hợp với địa phương. Nó có đặc tính ít ngọt, ít mật nên bán tươi ít người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, có một số tiểu thương hàng năm đến mùa vụ, thu gom mít tươi, mang về dưới Huế khi đủ số lượng thì chuyển vào nhà máy ở phía Nam để sấy khô, đóng gói. Vì đầu ra chưa ổn định, người dân chủ yếu bán nhỏ lẻ ở các chợ trên địa bàn nên địa phương không thể tăng thêm diện tích”.
Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nam Đông cho biết: “Năm 2015, phía huyện có vào đặt vấn đề với nhà máy chế biến mít đóng gói ở Bình Dương, họ yêu cầu cần có quy hoạch diện tích trồng tập trung mít Viên linh với diện tích lớn (trên 50 ha), khi có nguồn nguyên liệu dồi dào mới đặt được cơ sở sản xuất, chế biến ở Nam Đông. Hiện địa phương đang gặp nhiều vướng mắc nên chưa làm được”.
Cũng theo ông Thành, do đặc tính ít ngọt, ngoài sấy khô mít Viên linh không thể cạnh tranh đầu ra với các giống mít khác nên người trồng mít ở Nam Đông hiện nay chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ. Thời gian qua, địa phương Nam Đông cũng tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về cách chăm sóc, khai thác sao hiệu quả cho bà con trồng mít.
Trước mắt, cần có chính sách ưu đãi, thông thoáng đối với các doanh nghiệp, các cơ sở để kêu gọi hợp đồng, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Về lâu dài cần quy hoạch vùng trồng mít tập trung, mở rộng diện tích để đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn huyện nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
“Ngoài cây mít viên linh, một số giống cây mới đang được trồng mở ra triển vọng sản xuất hiệu quả cho bà con nông dân trên địa bàn như cây sầu riêng, cam valencia2, cây mây… Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục hỗ trợ, vận động người dân mở rộng diện tích. Các ban ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn giống và kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm hướng đến sản xuất bền vững cho bà con”- ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông, cho hay. |