Ăn món Huế, nói giọng Huế
“Mệ Vui” 1 và 2 được thiết kế nhỏ gọn theo phong cách truyền thống và màu sơn vàng đặc trưng của những ngôi nhà cổ xưa Huế. Hồ Thị Huyền cho biết, ý tưởng xuất phát từ niềm thương nhớ ngôi nhà nơi quê cũ xã Phú Thanh (Phú Vang), nơi mà thuở ấu thơ, Huyền đã sống êm đềm, vui vẻ cùng ba mẹ, chị em.
|
Huyền (ngoài cùng) tự tay làm bếp phục vụ khách hàng. Ảnh: L.Đan |
Cái tên “Mệ Vui” cũng bắt nguồn từ cách gọi thân quen của người Huế đối với những người phụ nữ già luống tuổi, là cách cháu gọi bà của người Huế, và “Mệ Vui” là tên mà nhiều người ở quê gọi mẹ Huyền mỗi khi bà về quê. Giữ nét đẹp truyền thống đó, ngoài lấy tên mẹ để đặt tên cho quán của mình nhằm tri ân công ơn nuôi dưỡng, còn là cách Huyền muốn nhắc nhở hai cậu con trai nhớ đến quê hương, gốc gác của mẹ.
“Mệ Vui” được khách hàng, nhất là người Huế xa quê đánh giá mỗi lần đến ăn như được trở về nhà bởi cách bài trí của gia chủ khá ấn tượng. Bàn ghế, chén bát, đũa muỗng được Huyền đặt mua theo phong cách cổ xưa, chủ yếu là chén đất, dĩa đất thay vì chén dĩa bằng gốm sứ cao cấp hiện nay. Bàn ghế cũng làm bằng gỗ cũ, hình chữ nhật. Mỗi bàn ngồi được 4 người, bàn nhỏ hơn dành cho hai người. Trên tường, những bức tranh tảo tần của người mẹ được Huyền treo khá thẩm mỹ, ấn tượng nên luôn thu hút khách hàng mỗi khi đến “Mệ Vui”.
Điều ấn tượng nữa là hầu hết nhân viên quán đều nói tiếng Huế. Đa số đều là anh em, bà con, người thân quen cùng quê với Huyền được tuyển chọn, bao ăn ở và trả lương đảm bảo cuộc sống. Cả chủ và nhân viên dù đang đứng bếp hay bưng thức ăn cho khách đều đồng phục áo dài, với những họa tiết được cách tân nhưng vẫn mang dáng dấp Huế tạo nên phong cách ấn tượng cho “Mệ Vui”.
Trong chuyến công tác mới đây, ghé qua quán “Mệ Vui” để thưởng thức món Huế sau 10 ngày xa nhà cũng là để thăm bạn đồng khóa, đồng môn (Huyền học lớp văn với tôi-PV) sau hơn 10 năm ra trường, tình cờ gặp được rất nhiều người thân quen ở Huế. Giữa lòng TP Hồ Chí Minh, giữa một rừng người lạ, bỗng chợt nghe giọng Huế, cảm giác thân quen chi lạ. Tại đây, chúng tôi thấy khá nhiều bạn trẻ nói tiếng Huế. Hỏi chủ quán thì được biết họ là khách hàng thường xuyên. Chỉ mỗi khi đến đây các bạn mới nói tiếng Huế, còn khi xã giao hay đến công ty đều nói tiếng trong Nam. “Chủ quán thuộc thế hệ 8X nên khá thoải mái, gần gũi, lại là người Huế, nói tiếng Huế rặt nên tụi em rất thích. Không gian ấm cúng, vui tươi, gần gũi như đang được thưởng thức món Huế ngay tại quê hương”, Thảo Vy, một bạn trẻ quê gốc Huế đang sống và làm
việc tại TP Hồ Chí Minh đến ăn tại quán “Mệ Vui” chia sẻ.
Thích, rồi đam mê
Điều làm “Mệ Vui” từ một quán nhỏ nay mở thêm “Mệ Vui” 2 và lúc nào cũng đông nghẹt khách, ngoài sự khéo tay, tài nấu ăn ngon của đầu bếp Hồ Thị Huyền còn là bởi các nguyên liệu chế biến thành món ăn được Huyền nhập hoàn toàn từ Huế, kể cả một số gia vị đặc trưng như mắm nêm, ruốc, vả, sả, ớt, hến, tôm, bột, gạo…
|
Thực khách chụp ảnh lưu niệm cùng chủ quán. Ảnh: L.Đan |
Lợi thế là Huyền có chị gái hiện ở Phú Thanh khá rành các nguyên liệu nên luôn thu mua giúp Huyền mỗi khi có yêu cầu, sau đó, đóng gói vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh.
Ngoài bún bò là món Huế chủ đạo, “Mệ Vui” có khá nhiều món đặc sản của Huế, như các loại bánh: bèo, nậm, lọc, ram ít, cơm hến, vả trộn, chè hạt sen, chè đậu ván… Gần đây, Huyền còn mở thêm các món xôi gà, cháo gà, với nguyên liệu là gà kiến nhập từ quê Phú Thanh.
Lại nói về tài nấu ăn của Huyền, không tự nhiên một cô cử nhân ngữ văn tốt nghiệp loại khá không theo nghề viết lách hay giáo viên như các bạn đồng khóa mà lại chọn nấu ăn là bởi ngay từ thời sinh viên, Huyền luôn ấp ủ giấc mơ trở thành người nội trợ giỏi giang, đầu tiên là để phục vụ gia đình, chồng con sau mới tính chuyện kiếm tiền từ nghề đầu bếp. Huyền học văn bởi niềm đam mê văn chương và hay như cách nói chừng nghe cao sang của một người thầy dạy văn mà Huyền hay nhắc đó là: “Học để làm người tử tế”.
Huyền đến với nghề đầu bếp khá tự nhiên như chính con người của cô. Thích rồi đam mê và tự học, học không được thì tìm thầy học. Không phải thế thì Huyền đã không bỏ cửa hàng kinh doanh rượu vang khá nổi tiếng ở quận 1, hết lần này đến lần khác ra Huế ở lại hàng tuần để theo học cách nấu bún, làm bánh bèo, nậm lọc… ở những cơ sở nổi tiếng. Có một số nơi, ngoài phải ăn ở, phục vụ bưng bê cho quán của thầy Huyền còn phải đóng học phí mấy chỉ vàng cho một món ăn.
Huyền cho biết, nếu không vì đam mê, Huyền không cần làm gì cũng có cuộc sống sung túc khi nhà chồng khá giả. Nhưng với bản tính luôn muốn trở thành người có ích và sở thích nấu ăn, làm đầu bếp ăn sâu từ trong máu, Huyền đã thành công với những dự định như Huyền nói, là nho nhỏ với hai cơ sở “Mệ Vui” ở mặt tiền hai đường trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh, một nhà hàng chuyên phục vụ các món Âu cũng do Huyền làm đầu bếp, cùng cửa hàng kinh doanh rượu vang khá lớn.
“Mệ Vui” giờ đây không chỉ là điểm đến của người Huế mà còn rất nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác, trong đó có không ít ca sĩ, người mẫu nổi tiếng đến ăn, mua về làm quà. Quán và tài nấu ăn của Huyền cũng được một số tờ báo trong nước, khu vực, kể cả báo một số nước châu Âu giới thiệu, khen ngợi. Dự định sau khi học được cách nấu ăn theo phong cách cung đình từ một người Huế rất nổi tiếng đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, Huyền sẽ mở thêm nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn cung đình Huế để phục vụ khi khách có yêu cầu. |
Tâm Huệ
Theo BaoThuaThienHue.vn