Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Gỡ khó cho các dự án bất động sản
Ngày cập nhật 25/02/2016
TTH - Kinh tế khó khăn khiến việc đầu tư vào các khu đô thị mới trên địa bàn triển khai chậm; nhiều dự án được chấp thuận đầu tư khá lâu nhưng đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

 Công nhân thi công công trình chung cư Xuân Phú

 

Thị trường chưa khởi sắc

Năm 2015, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực; Nhà nước ban hành nhiều luật mới như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… có tác động tích cực đến hoạt động đầu tư và xây dựng, cũng như thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, thực tế các nhà đầu tư cũ trên địa bàn vẫn đang loay hoay với vấn đề tài chính; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu quy mô dự án, nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn chưa được giải quyết triệt để. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư. Điều này khiến các dự án đăng ký đầu tư vào khu đô thị mới An Vân Dương, khu quy hoạch Đông Nam Thủy An có tăng nhưng vẫn còn nhỏ lẻ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tiến độ đầu tư vào các dự án vẫn chậm là do thị trường bất động sản còn khá trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư dù hoàn thiện sản phẩm nhưng vẫn khó tìm khách hàng, điển hình là dự án khu đô thị mới Mỹ Thượng. Dự án này đã hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng với số vốn hơn 202 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian tiến hành rao bán vẫn không có khách hàng. Ngay cả việc chuyển nhượng đất nền cũng gặp không ít khó khăn.

 Chung cư Xuân Phú mới hoàn thành 65% kế hoạch xây dựng 

 

Hiện, ngoài một số ít dự án đạt hoặc vượt so với kế hoạch (KH) như: khu đô thị mới Phú Mỹ An, khu đô thị mới An Cựu, khu văn phòng và nhà ở LK2; các dự án còn lại đều thực hiện đầu tư cầm chừng hoặc thấp so với kế hoạch, điển hình Khu nhà ở An Đông, Khu phức hợp Thủy Vân mới chỉ thực hiện 58% KH; Khu đô thị mới Mỹ Thượng 59% KH. Nhóm dự án nhà ở xã hội tỷ lệ đầu tư thấp như: khu nhà ở cho người thu nhập thấp - VICOLAND 19% KH, nhà ở xã hội tại CHC1- ARANYA 80% KH, chung cư Xuân Phú 65% KH. Thậm chí nhiều dự án đến nay vẫn chỉ là con số không, như chung cư An Lộc; làng Truyền thông và Công nghệ VIEGRID; khu đô thị mới Đông Nam Thủy An.

Ông Hoàng Tiến Minh, Trưởng ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị chia sẻ: Ngoài khó khăn xuất phát từ tình hình kinh tế, tài chính, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong khu đô thị gặp nhiều khó khăn, một số nhà đầu tư vẫn thiếu quyết tâm trong việc triển khai dự án hoặc né tránh khó khăn. Một số khác còn thiếu tích cực trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong tháo gỡ vướng mắc nên nhiều vấn đề liên quan chưa được giải quyết rốt ráo.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Theo ông Hoàng Tiến Minh, việc tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp phù hợp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư được Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh hết sức quan tâm. Đối với các khu đô thị, khu dân cư, ban tiến hành cải cách thủ tục, chấp thuận đầu tư theo hướng nhanh gọn; tổ chức nghiệm thu từng hạng mục khi có yêu cầu của chủ đầu tư, tiếp nhận bàn giao các hạng mục hạ tầng đã hoàn thành nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm phát huy hiệu quả của dự án. Những dự án khó về giải phóng mặt bằng, sẽ tạo điều kiện điều chỉnh quy hoạch. Tại dự án khu nhà ở An Đông, diện tích đất giao cho chủ đầu tư được điều chỉnh giảm từ 55.037m2 xuống còn 46.923m2; đất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng được điều chỉnh từ 13,3ha xuống còn 10,5ha nhằm thu hẹp phạm vi đền bù. Các dự án gặp khó khăn trong vấn đề đất bố trí tái định cư như dự án khu biệt thự trục đường QL1A-Lăng Tự Đức, ban đã xin chủ trương của UBND tỉnh bố trí quỹ đất tái định cư tại khu C dự án khu dân cư dọc Quốc lộ 1A-Tự Đức, đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương. Hiện ban đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh phân lô đảm bảo quỹ đất bố trí tái định cư.

Đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, đơn vị cũng tập trung quản lý sử dụng nhà ở, kiểm tra, giao ban định kỳ với chủ đầu tư và tiếp thu những phản hồi từ người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường kiểm soát đối tượng sử dụng. “Năm 2016, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội, tìm kiếm nguồn vốn dài hạn, trong và ngoài nước để phát triển quỹ nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, ông Hoàng Tiến Minh khẳng định.

Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, điện chiếu sáng…đảm bảo chất lượng sống tại các khu đô thị, Ban cũng huy động các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện công tác cải tạo môi trường, trồng cây xanh trên các khu đất hoang hóa, dải phân cách đường Tố Hữu; trồng cây xanh các tuyến đường chưa có cây, dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường trục chính 100m, 60m…; tiến hành thay thế hệ thống đường ống nước tại một số dự án nhằm đảm bảo áp lực nước cho đơn vị triển khai dự án.

Trước những khó khăn về tài chính cũng như thị trường, các chủ đầu tư cũng tích cực, chủ động gỡ khó. Ông Phạm Tư Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Xuân Phú cho biết: Ngoài việc huy động vốn từ người mua nhà, chúng tôi cũng hoàn tất các thủ tục vay thêm 50 tỷ đồng từ gói 30.000 tỷ đồng, nếu không được chấp thuận sẽ tiến hành vay thương mại để thi công 3 khối nhà còn lại trong năm 2016.

HOÀNG LOAN

 

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 467
Chung nhan Tin Nhiem Mang