Điện nhập khẩu chiếm tỷ trọng ít
Trong tháng 5, EVN dự kiến phụ tải điện có thể đạt 539 triệu kWh/ngày.
EVN cho biết sẽ nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc theo dõi, vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời cần phòng, chống hạn hán. |
Theo EVN, trong 4 tháng đầu năm, lượng điện nhập khẩu chỉ chiếm 1,33%. Trong khi đó, thủy điện chiếm 25,76%, nhiệt điện than chiếm 41,47%.
EVN cho biết, trong tháng 4, hệ thống điện quốc gia vận hành, cung cấp điện ổn định, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng yêu cầu hoạt động chính trị - xã hội, sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, trong đợt nghỉ lễ (từ 30.4 đến 3.5), các nhà máy điện và lưới điện truyền tải 500 - 220kV, 110kV vận hành tương đối ổn định, các đơn vị điện lực chủ động tổ chức ứng trực 24/24 giờ, phục vụ các hoạt động kỷ niệm tại các địa phương và nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
Cũng theo EVN, tháng 4 khô hạn vẫn diễn ra gay gắt ở miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Trước tình hình này, EVN đã vận hành hệ thống điện an toàn, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, huy động các nguồn nhiệt điện dầu, kết hợp vận hành hợp lý các nhà máy thuỷ điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu dân sinh ở hạ du.
EVN đã chủ động huy động tối đa các nguồn nhiệt điện ngay từ cuối năm 2015 để các nhà máy thủy điện tích nước cao nhất, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam để tập trung công suất phát điện cho các tháng mùa khô năm 2016; đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm vào vận hành để tăng cường khả năng chuyển tải cung ứng giữa các miền của cả nước.
Tháng 4, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 13,16 tỷ kWh. Lũy kế 4 tháng năm 2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 48,37 tỷ kWh, tăng 12,61% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, điện thương phẩm nội địa tăng 12,61% (điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chiếm 53,4%, tăng 9,76%; điện cấp cho thương mại chiếm 5,2%, tăng 22,55%; điện cấp cho quản lý và tiêu dùng chiếm 34,1%, tăng 12,83%; điện cấp cho nông nghiệp chiếm 2,7%, tăng 62,8%; điện cấp cho thành phần khác chiếm 4,6%, tăng 11,63%).
Thúc đẩy đầu tư để có điện
Về tình hình đầu tư xây dựng, trong tháng 4, EVN đã hoàn thành thả rotor tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu và tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng; khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng.
Cũng trong tháng 4, EVN đã khởi công được 1 công trình và hoàn thành đóng điện 7 công trình, trong đó có trạm biến áp 500kV Phố Nối, tăng cường khả năng cung cấp điện ổn định cho khu vực Hà Nội và phụ cận.
Giá trị khối lượng thực hiện đầu tư trong tháng 4 ước đạt 9.500 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng ước giá trị khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện đạt 36.551 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 28.127 tỷ đồng.
Theo EVN, mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 5 là: Đảm bảo cung cấp điện ổn định, đặc biệt là đảm bảo điện cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khai thác cao các tổ máy chạy dầu, nhiệt điện than, tua-bin khí. Điều tiết các hồ thủy điện hợp lý để đảm bảo cấp nước cho hạ du.
Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện, dự kiến trong tháng 5 sẽ hoàn thành thả rotor tổ máy 2 Thủy điện Sông Bung 2, tập trung thi công lắp đặt thiết bị đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu và Huội Quảng trong tháng 6. Tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định cả 2 tổ máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 2 tổ máy Nhiệt điện Duyên Hải 1.
Về lưới điện, tập trung hoàn thành dự án lắp máy biến áp tại TBA 500kV Pleiku 2; đóng điện công trình đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho và tập trung thi công các dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP.Hà Nội: Đường dây 500/220kV Hiệp Hoà - Đông Anh -Bắc Ninh 2, đường dây 220kV Hoà Bình - Tây Hà Nội, các trạm biến áp 220kV Tây Hà Nội, Đông Anh, Long Biên.
EVN nhận thức rõ, tình hình thiên tai còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 25-40% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2015, nhiều hồ thủy điện đã hạn chế phát điện, tập trung cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên). Các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng như: Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Ngoài ra, từ đầu năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 71 trận dông, lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp và ngành điện.
Theo Dân việt
Theo BaoThuaThienHue.vn