Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bộ Công Thương: Hiệp định TPP sẽ "nâng tầm" Việt Nam trong 5-10 năm tới
Ngày cập nhật 19/05/2016
Theo Bộ Công Thương, hiện nay đã nhiều tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam với mục tiêu biến nước ta trở thành cơ sở quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất công nghệ cao. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngành càng mạnh, đây là cơ hội để nâng tầm kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

TPP là Hiệp định được kế thừa và bổ sung thêm nhiều quy định mới trong thương mại và đầu tư của thế kỷ XXI

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, ngày 4/2/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cùng Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia TPP tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định tại Auckland, New Zealand.

Theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các thành viên thông báo bằng văn bản cho New Zealand (nước được đảm nhiệm vai trò lưu chiểu văn bản của TPP) rằng đã hoàn tất phê chuẩn. Nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày ký mà các nước không thực hiện thông báo nhưng ít nhất có 6 nước thành viên chiếm trên 85% GDP thì hiệp định sẽ có hiệu lực khi kết thúc thời hạn 2 năm đó.

Nếu Hiệp định không thể có hiệu lực theo 2 cách nói trên thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước thành viên chiếm ít nhất 85% GDP thông báo bằng văn bản cho New Zealand rằng đã hoàn tất quá trình phê chuẩn.

Theo tờ trình, Hiệp định TPP gồm 30 chương, điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư.

“Không chỉ là một FTA với quy định bao trùm nhiều vấn đề trên diện rộng, TPP còn là một FTA chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, mức độ cam kết sâu, rộng của Hiệp định TPP có ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam với mức độ cao hơn và đặc thù so với các FTA đã ký kết. Các nội dung còn lại có nội dung khá tương đồng với các hiệp định đa phương, song phương khác mà Việt Nam là thành viên.

Đánh giá tác động của Hiệp định TPP và các văn kiện liên quan tới Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, các nước, kể cả Hoa Kỳ, đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của việt Nam. Tất cả các nước xác nhận họ tôn trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và không có ý can thiệp vào thể chế chính trị của Việt Nam.

Tờ trình cũng nêu, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức nghiên cứu khác, nếu các điều kiện đều thuận lợi, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2035. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Cụ thể, về xuất khẩu, việc các nước cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng 30-40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3-4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi, dự kiến sẽ đạt 16 tỷ USD vào ngay năm 2018 (tăng 3 tỷ USD) và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng thêm 5,5 tỷ USD). Với kim ngạch như dự kiến, có thể tạo thêm hàng triệu việc làm mới.

Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của việt Nam cũng có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số thuế phải nộp với mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm tới 73,2%, tương đương hàng trăm triệu USD và sẽ là động lực để các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng được đánh giá là rất lớn, đặc biệt là vào Hoa Kỳ và Nhật Bản.

“Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Hiện nay đã nhiều tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam với mục tiêu biến nước ta trở thành cơ sở quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất công nghệ cao. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngành càng mạnh, đây là cơ hội để nâng tầm kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới”, Bộ Công Thương đánh giá.

Bên cạnh đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng dễ dàng tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không nhiều do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài còn thấp.

“Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có lợi thế trong trung hạn trước nhiều đối thủ cạnh tranh, nhất là các nước xung quanh. Ví dụ, thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với áo sơ mi nhập khẩu từ các nước không có FTA trung bình là 18%. Khi Việt Nam có quan hệ FTA với Hoa Kỳ, mức thuế nhập khẩu sẽ là 0%. Như vậy, áo sơ mi của Việt Nam sẽ rẻ hơn áo sơ mi của các nước cạnh tranh khác khoảng 1%. Trên thực tế, đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh về giá khoảng 18% như vậy là rất khó khăn và mất nhiều thời gian”, tờ trình nêu.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro đi kèm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, với kinh nghiệm 30 năm đổi mới, hội nhập vừa qua cho thấy mặt thuận lợi là cơ bản, chủ yếu, còn rủi ro và thách thức có thể kiểm soát được.

Theo Bộ Công Thương, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh khá lớn khi thuế về 0%, nổi bật là thịt lợn và thịt gà. Đây là 2 mặt hàng đã sản xuất được nhưng cạnh tranh trong nước còn yếu. Tuy nhiên, với mặt hàng được bảo lưu theo lộ trình tương đối dài. Ngoài ra, một số nông sản khác cũng gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì vẫn phải nhập với số lượng lớn như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Một số sản phẩm công nghiệp mà TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của Việt Nam vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Ngoài ra, một số sản phẩm của các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu đang duy trì ở mức cao, việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại, điều hoà không khí, đồ nội thất, xe mô tô, rượu, thuốc lá… Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ trọng thu nhập khẩu đang giảm dần nên đến nay cũng không còn là nguồn thu quan trọng nữa nên về cơ bản không gặp vướng mắc lớn.

“Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Chính phủ sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ… để sản phẩm của ta đứng vững trên sân nhà”, Bộ Công Thương nhấn mạnh

Việc tham gia TPP cũng sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực thương mại và đầu tư và thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước vốn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước có thể bị ảnh hưởng, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp của một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Theo Dân Trí

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 26
Chung nhan Tin Nhiem Mang