Đá, tiểu cảnh ở đường Tố Hữu được doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo hỗ trợ đầu tư
Dân sẽ đồng thuận, nếu…
Xã hội hóa trong đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật là chủ trương đã được nhiều, tỉnh, thành phố khác trên cả nước thực hiện và khá thành công. Riêng địa bàn TP. Huế, hiện có 2 công trình kêu gọi hoàn toàn sự đầu tư từ phía doanh nghiệp; đó là chợ đầu mối Phú Hậu và công viên bờ sông An Cựu, thuộc địa bàn phường An Đông.
Với công trình chợ Phú Hậu, sau khi bỏ ra hơn 23 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ và các công trình, hạng mục phụ trợ đi kèm, chủ đầu tư là Công ty CP Phú Hậu tiến hành cho đấu, bốc thăm nhận lô. Quá trình triển khai thực hiện, có sự vào cuộc của cơ quan chức năng TP.Huế, song nhiều tiểu thương chợ này không đồng tình và không ít lần kéo đến trụ sở văn phòng UBND tỉnh, TP. Huế phản đối, khiếu kiện…
Xin không bàn thêm đến các nguyên nhân khác, chỉ duy một điều, nếu các cơ quan liên quan tổ chức tốt hơn các cuộc đối thoại, công khai, minh bạch ngay từ đầu, từ chủ trương đến quá trình xây dựng, bảng giá…, chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Công viên bờ sông An Cựu hiện đã được doanh nghiệp đầu tư làm nơi kinh doanh quán cà phê, giải khát, trưng bày cây cảnh
Công viên bờ sông An Cựu cũng từng khiến dư luận bức xúc, khi chính quyền cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư mà không thông báo, công khai đến người dân, khiến những hộ dân sau khi di dời trả lại mặt bằng bờ sông khiếu kiện. Sự việc càng lên tới “đỉnh điểm” khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư, dù chưa có giấy phép vẫn xây dựng công trình. Sau phản ánh của báo chí, truyền thông, dự án buộc phải tạm dừng để chờ giấy phép.
Người dân cho rằng, nếu từ đầu, chính quyền công khai, thông báo cho dân qua các buổi họp về chủ trương, dự án…, chắc chắn sẽ khó xảy ra những dư luận đáng tiếc.
Cả hai công trình nêu trên đến nay đều đã đưa vào sử dụng. Chợ đầu mối Phú Hậu hiện đã đạt gần như 100% công suất sử dụng. Bờ sông An Cựu giờ đã thành nơi trưng bày cây cảnh, quán cà phê, giải khát… thu hút khá đông khách. Và đến nay, chưa thấy thêm khiếu kiện, khiếu nại, phản ánh của người dân với những tồn tại, bức xúc đối với hai công trình này.
Điều đó một lần nữa khẳng định, người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong đầu tư, khi Nhà nước thật sự công khai, minh bạch tất cả các khâu để họ theo dõi, giám sát.
Rút kinh nghiệm những công trình tiếp theo
Một công trình khác đang triển khai và đã kêu gọi được sự ủng hộ đầu tư từ phía doanh nghiệp, đó là dự án chỉnh trang, mở rộng đường Tố Hữu. Hạng mục trang trí đá, tiểu cảnh ngay trước Trung tâm Hành chính TP. Huế đã được doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo ủng hộ bằng việc tự thiết kế, lắp đặt, trồng cây cảnh, đá cảnh. Theo đánh giá những người đi đường, nhờ hạng mục này, đường Tố Hữu “duyên” và đẹp hơn bội phần.
Trồng cỏ trên vỉa hè
Mới đây, nhân Festival Huế 2016, nữ doanh nhân này cũng giúp TP. Huế đẩy nhanh tiến độ các công trình chào đón bằng việc trồng cỏ ba lá ở vỉa hè.
Nói về kinh phí, bà Tạ Thị Ngọc Thảo chỉ cười và cho rằng, đó là trách nhiệm của một công dân TP. Huế, khi bà chọn Huế là quê hương thứ hai, với những dự án đầu tư bài bản, làm cho Huế đẹp hơn, thơ hơn trong lòng du khách; trong đó, có Tịnh cư Cát Tường Quân, là nơi người dân, du khách có thể nghe tiếng chim kêu, ngắm hoa nở và tĩnh tại tâm hồn.
Trở lại với chủ trương xã hội hóa đầu tư, trong khá nhiều cuộc họp, diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành cho hay, chủ trương này đã được cụ thể bằng nghị quyết và được HĐND TP. Huế thông qua. Do đó, từ nhiệm kỳ này về sau, không chỉ với công trình hạ tầng kỹ thuật mà kể cả với các công trình, chương trình văn hóa, nghệ thuật, TP. Huế cũng kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ phía doanh nghiệp. Festival Nghề truyền thống Huế 2015 là một ví dụ. Nhờ chủ trương này, TP. Huế đã tiết giảm được 50% chi phí. Các festival tiếp theo, TP. Huế đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương xã hội hóa.
Lãnh đạo TP. Huế cho hay, sau khi có đầy đủ thiết kế, bản vẽ, dự toán… việc đầu tư chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa lại các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP. Huế, sẽ giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện công tác đầu tư ban đầu, sau đó sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức kết hợp khu vệ sinh gắn với các dịch vụ khách theo hướng sang trọng, sạch sẽ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Việc kêu gọi đầu tư công viên nghĩa trang theo hướng hiện đại kết hợp các dịch vụ khác như các nước tiên tiến đã thực hiện cũng được TP. Huế tính tới trong lúc kinh phí, ngân sách còn khó khăn. Và khá nhiều dự án, công trình, ý tưởng khác cũng được lãnh đạo TP. Huế đặt ra như hỗ trợ phương tiện, đồng phục cho xích lô, xe thồ, quy hoạch hàng rong… cũng bằng hình thức kêu gọi sự hỗ trợ từ phía người dân, doanh nghiệp…
Hẳn nhiên, việc công khai, minh bạch với người dân sẽ được rút kinh nghiệm ở những dự án sau này. Lãnh đạo TP. Huế nói rằng, những dự án vừa qua là bài học sâu sắc trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư. Do đó, với những dự án mới, nhất là dự án nhạy cảm, dự án mang tính cộng đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sẽ triển khai kỹ hơn khâu thông báo, họp dân để tranh thủ sự đồng thuận. Làm được thế, tin rằng, người dân sẽ luôn ủng hộ và các công trình công cộng được thực hiện từ vốn ngoài ngân sách sẽ phát huy hiệu quả.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ
Theo BaoThuaThienHue.vn