Liên kết website
Chính phủ Bộ, cơ quan ngang bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, Ban, Ngành tỉnh TT Huế
|
Chính sách thuế hỗ trợ Doanh nghiệp, bước đầu đã phát huy hiệu quả Ngày cập nhật 18/03/2009 Đó là khẳng định của các chuyên gia trong cuộc tọa đàm “ Các chính sách tài chính hỗ trợ Doanh nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế” do Văn phòng Bộ Tài chính phối hợp với Hệ thời sự Chính trị - xã hội (VOV1-Đài TNVN) tổ chức, với các khách mời tham gia: ông Vũ Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế- Bộ Tài chính, ông Phạm Duy Khương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bà Lỗ Thị Nhụ -Vụ trưởng, Vụ kiểm tra- Thu thuế XNK- Tổng cục Hải quan. Cuộc toạ đàm đã được phát sóng trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình của Đài TNVN ngày 15/3/2009. Dưới đây là nội dung chính của buổi toạ đàm. PV: Hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai chủ trương của Chính phủ hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp như thế nào?
Ông Vũ Văn Trường – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế- Bộ Tài chính: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư, hướng dẫn các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể như Thông tư số 03 về hướng dẫn giảm, giãn thuế TNDN đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thông tư số 04 hướng dẫn về hoàn thuế nhanh đối với các DN có hàng hoá xuất khẩu; TT số 05 hướng dẫn về đơn giản hoá thủ tục hải quan, thông tư số 13 về giảm 50% thuế GTGT cho khoảng 19 nhóm ngành hàng và một số các thông tư hướng dẫn khác.
PV: Khi triển khai chính sách thuế đó thì các đối tượng cụ thể nào được giảm, giãn thuế ?
Ông Vũ Văn Trường: Theo đúng Nghị quyết 30 của Chính phủ, đối tượng được giảm giãn thuế gồm cả thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Đối với đối tượng được giảm 30% thuế TNDN cho quý 4/2008 và cả năm 2009, là toàn bộ Doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp thuộc ngành nghề nào,thuộc diện DN vừa và nhỏ và tiêu chí cụ thể đã, hướng dẫn trong Thông tư số 03 của BTC. Với đối tượng được giảm 50% thuế GTGT, Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 13 hướng dẫn cụ thể gồm có 19 nhóm ngành hàng, rất nhiều các mặt hàng, ví dụ như cơ khí tư liệu sản xuất, các vật liệu sản xuất bê tông đúc sắt, cơ khí gang thép... Còn đối tượng được giãn thuế TNDN 9 tháng cũng được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại thông tư số 12 của Bộ Tài chính.
PV: Đối với Tổng cục Thuế: Thời gian triển khai thực hiện miễn, giảm thuế đến nay là chưa lâu, vậy mức độ hưởng ứng của các doanh nghiệp về các chính sách thuế hỗ trợ đã được ban hành như thế nào?
Ông Phạm Duy Khương- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế: Về chính sách, Bộ Tài chính đã ban hành một loạt các thông tư nhằm thực hiện các giải pháp phục vụ cho kích đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm kinh tế. Việc hỗ trợ đã đạt được kết quả và mục đích rất tốt, việc giảm 50% đối với 19 nhóm mặt hàng thuộc các ngành hàng mà trước đây có thuế GTGT là 10% có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp để phục vụ cho việc giảm giá hàng bán, giúp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay. Ví dụ như ngành du lịch lữ hành hiện nay giá phòng các khách sạn trước đây giá phòng là 110 USD và đến nay còn 105 USD, trong ngành ô tô sau khi có giảm thuế đã có hàng loạt hãng ô tô giảm giá từ 5 – 10%.
Với chính sách như vừa nêu, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là đối với việc miễn giảm thuế TNDN, giảm thuế thu nhập DN 30% trong quý 4 năm 2008 và năm 2009, giãn 9 tháng trong năm 2009 đối với các doanh nghiệp sau khi đã miễn giảm; đây là giải pháp rất tốt cho doanh nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, duy trì và thúc đẩy sản xuất, bán hàng hoá. Tuy số thu của 2 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ nhưng về mặt sản xuất công nghiệp tăng khoảng 2,5%, mức độ bán lẻ 2 tháng đầu năm tăng 20,6%. Chứng tỏ, giải pháp vừa qua đã góp phần thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh phát triển và tốt dần lên.
PV: Còn đối với các chính sách về thuế XNK đã tác động thế nào đến kích hoạt động XNK của doanh nghiệp?
Bà Lỗ Thị Nhụ- Vụ trưởng Vụ kiểm tra thu thuế XNK- TC Hải quan: Chính sách Bộ Tài chính vừa qua đã tác động rất tích cực tới hoạt động XNK của các doanh nghiệp, cũng như việc quản lý hành chính thuế của cơ quan Hải quan thông qua các giải pháp mà Bộ tài chính đã ban hành, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thông quan nhanh hàng hoá cho DN, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích thích hoạt động xuất khẩu.Vì vậy, trong 2 tháng đầu năm, đã xuất siêu hàng hoá, tác dụng tích cực đến hoạt động quản lý thuế của cơ quan Hải quan, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Hải quan đối với nền kinh tế.
PV: Để hoàn thiện các chính sách, Bộ Tài chính đã có đánh giá gì về tác động tích cực, tín hiệu từ nền kinh tế, sự hưởng ứng của DN như thế nào?
Ông Vũ Văn Trường: Các chính sách trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mức độ khó khăn để lượng hoá được, tính thành con số cần phải có thời gian để theo dõi và đánh giá, ngoài việc theo dõi và đánh giá của Bộ Tài chính thì cần nên có tổ chức đánh giá độc lập cho nó khách quan hơn như VCCI chẳng hạn, tổ chức đánh giá để phản hồi lại chính sách đã phù hợp hay chưa...để chúng ta có thời gian theo dõi nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách.
PV:Qua ý kiến của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cho thấy đã có những tín hiệu đáng mừng trong việc chính sách Thuế hỗ trợ DN. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nên xem xét miễn giảm thuế với thời gian lâu hơn. Ý kiến này dựa trên cơ sở DN có chu kỳ sản xuất kinh doanh với sản phẩm mất nhiều thời gian hơn. Vậy xin hỏi ông Vũ Văn Trường ở góc độ làm chính sách, ý kiến của ông như thế nào?
Ông Vũ Văn Trường: Khi đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho DN, chúng tôi cũng đã nhận được các ý kiến đề nghị cần phải kéo dài, tuy nhiên khi cân nhắc các tác động của chính sách, chúng tôi thấy với thời gian giảm thuế kể cả thuế TNDN với 9 tháng là phù hợp.... Với đề nghị kéo dài hơn chúng tôi cho rằng: chính sách thuế có tính 2 mặt, khi thực hiện chính sách thuế có lợi cho DN nhưng đồng thời tác động của nó là tác động đến nền kinh tế vĩ mô, tức là việc chậm nộp thuế, giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ phải tìm các nguồn khác, trong đó cũng không loại trừ việc phải đi vay thêm để bù đắp vào số thiếu hụt đó để đảm bảo mức chi tiêu đã được Quốc hội phê duyệt... Đối với các đề xuất của doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang nghiên cứu,cân nhắc. Đối với ngành nào, thời gian là bao nhiêu, đến mức độ nào… chúng tôi cũng đang tiếp tục xem xét kỹ và làm việc cụ thể với các ngành có tính chất đặc thù để có những giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
PV: Còn đối với các mặt hàng khác liệu chúng ta có thể tiếp tục giảm, giãn thuế được ko?
Ông Phạm Duy Khương: Hiện nay Chính Phủ mới ban hành Nghị quyết số 30 và Quốc hội có Nghị quyết số 31 nhằm tháo gỡ cho DN. Bộ Tài chính, đã và đang thực hiện các giải pháp trong đó có chính sách Thuế .Tổng cục Thuế đã triển khai tích cực các chính sách Bộ Tài chính đã ban hành, nhằm thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội. Qua hơn 2 tháng triển khai kết quả bước đầu đã cho tín hiệu tốt. Đối với việc tiếp tục đối với mặt hàng được đưa vào diện giảm, giãn thuế, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp đánh giá trong thời gian tiếp theo và sẽ đề xuất với Bộ tài chính và các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ để có thể xem xét tiếp trong thời gian tới.
PV: Để triển khai các chính sách thuế hỗ trợ DN, Tổng cục Thuế đang có những biện pháp cụ thể nào để tuyên truyền, hỗ trợ các DN nắm chắc và đến với cơ quan thuế?
Ông Phạm Duy Khương:Ngành Thuế đã có triển khai đầy đủ, kịp thời đối với toàn ngành để triển khaithực hiện tất cả các nhóm giải pháp nêu trên như giảm thuế TNDN, giảm thuế GTGT, giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong năm 2009 với thời gian là 9 tháng. Chúng tôi đã tổ chức có tất cả các bộ phận từ cơ quan Thuế ở trung ương đến địa phương thường trực đường dây nóng phục vụ để tháo gỡ tất cả các vấn đề vướng mắc của DN, giải đáp chính sách thuế một cách kịp thời, tạo điểu kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế… Chúng tôi đã giao cho các Cục Thuế phân loại các đối tượng và tuyên truyền đến người nôp thuế, hướng dẫn hỗ trợ để họ tự xác định theo tiêu chí mà Bộ Tài chính đã hướng dẫn trong các thông tư đã ban hành. Tất cả các hướng dẫn về thủ tục đã được Tổng cục Thuế triển khai một cách rất cụ thể trong tháng 2, đến nay các doanh nghiệp đã thấy được quyền lợi của mình và thực hiện rất tốt. Ngoài ra, Tổng cục Thuế luôn theo dõi diến biến của thực tế phát sinh và có văn bản giải đáp kịp thời, cụ thể để đảm bảo các chính sách này đi vào cuộc sống góp phần thực hiện các giải pháp kích cầu của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra một cách tốt nhất.
PV: Đối với hoạt động XNK, ngoài chính sách thuế XNK đã điều chỉnh để hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, kiến nghị của doanh nghiệp khi làm việc với Hải quan đặt ra những vấn đề gì ?
Bà Lỗ Thị Nhụ: Qua kiến nghị của các DN, cơ quan Hải quan cần chú ý đến kiến nghị của DN ở 3 góc độ: Thứ nhất cải cách thủ tục hành chính thuế làm sao để tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp, ví dụ như các doanh nghiệp đang có kiến nghị kéo thời hạn nộp thuế đối với các nguyên liệu sản xuất hàng XK từ 275 ngày lên 365 ngày hoặc giãn thời hạn nộp thuế GTGT từ 30 ngày lên 60 ngày...; thứ hai, chính sách đã ban hành rồi nhưng liệu chính sách đó có được thực thi một cách đúng hay ko, chúng tôi cần phải kiểm tra việc tiến hành thực hiện chính sách đó..; thứ ba, cần phải hỗ trợ đẩy mạnh chính sách tuyên truyền làm sao để các chính sách mới đến được với người nộp thuế một cách sớm nhất và đầy đủ nhất để họ hiểu và thực hiện đúng.. để chính sách hỗ trợ, quyền lợi của họ trong sản xuất kinh doanh, hoạt động XNK do các chính sách thuế mới mang lại sẽ không bị bỏ qua..
PV: Có trường hợp dễ nảy sinh với ngành Thuế và Hải quan, đó là khi thực hiện chính sách miễn giảm thuế có thể có trường hợp cán bộ thuế hoặc cán bộ Hải quan móc nối với nhau thành ra tiêu cực nào đó để được hưởng thuế ko đúng đối tượng..Xin hỏi ông Trường, ông có ý kiến như thế nào ở góc độ người làm chính sách?
Ông Vũ Văn Trường :Chúng tôi cũng đã báo cáo và lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các ngành thuế và hải quan theo dõi tình hình và thường xuyên truyên truyền ko chỉ trong ngành mà cho cả các đối tượng được hưởng các chế độ miễn, giảm ưu đãi để bản thân người được hưởng đó hiểu chính sách để giám sát việc thực thi của cán bộ thuế, hải quan..Ngoài ra, trong ngành cũng luôn cũng có thông báo, văn bản thông tin chỉ đạo cán bộ thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, các hướng dẫn trong văn bản của Bộ đã ban hành. Đồng thời, phải tổ chức đoàn kiểm tra nội bộ, đây là việc làm thường xuyên của ngành Tài chính, của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế để ngăn chặn tình trạng có thể xảy ra giữa cán bộ thuế và người kinh doanh có sự thông đồng với nhau.
PV: Đối với ngành Thuế đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông đồng như vừa nêu, thưa ông Khương?
Ông Phạm Duy Khương:Với các giải pháp như trên đã nói, ngành Thuế tiếp tục duy trì thực hiện tốt hiện đại hoá của ngành, thực hiện các chương trình hiện đại hoá của ngành từ nay đến 2010, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp.Ví dụ, thứ nhất, chúng tôi giải quyết hồ sơ hoàn thuế một cách nhanh nhất, thời gian tạm hoàn 90% đối với các đơn vị xuất khẩu mà thủ tục thanh toán với ngân hàng chưa có, chúng tôi phải giải quyết kịp thời, chúng tôi đề ra là 7 ngày và sẽ hoàn tiếp trong thời gian 4 ngày nữa đối với số thuế còn lại nếu các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện và có hồ sơ. Đó cũng là cải cách thủ tục hành chính. Thứ hai là, cơ quan thuế tập trung tuyên truyền, hỗ trợ cho DN, cũng như ban đầu tôi đã nói là để cho người nộp thuế biết được quyền lợi của mình và tự giác kê khai và thực hiện quyền lợi của mình còn cơ quan thuế chỉ tổ chức kiểm tra, hậu kiểm tra. Tổng cục Thuế trong thời gian vừa qua đã kịp thời giải đáp và kịp thời hướng dẫn cho các cơ quan thuế địa phương cũng như là các DN thực hiện tốt vấn đề này. Thứ ba, sau giải pháp này, chúng tôi cũng đề cập đến biện pháp là hiện đại hoá, TCT cũng đang tiếp tục triển khai và phát triển thủ tục thanh toán bằng điện tử nhằm mục đích thực hiện chính sách thuế này một cách nhanh nhất và kịp thời nhất, giảm thủ tục hành chính. Thứ tư, rà soát lại các quy trình quản lý thuế của chúng tôi, đặc biệt trong tháng 3 này sẽ ban hành, sửa đổi quy trình thanh tra, quy trình hoàn thuế, quy trình quản lý nợ thuế và một vấn đề nữa là phối hợp với hệ thống ngân hàng để xây dựng quy trình thu nộp tiền thuế, ko dùng tiền mặt, hiện nay chúng tôi đang tiến hành thành công và sẽ có thí điểm trong năm 2009.
Theo website BTC - Nguồn LA-TN (VPB) Các tin khác
|
Thống kê truy cập Truy câp tổng 3.348.777 Truy câp hiện tại 2.059
|