Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Mong manh nghề làm quạt giấy
Ngày cập nhật 24/05/2016
TTH - Huế vào mùa nắng gắt. Đây cũng là thời điểm những hộ làm quạt giấy còn lại ở xóm Chùa (đường Chi Lăng, phường Phú Hậu, TP. Huế) tất bật tăng năng suất.

“Níu” nghề

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Việt (61tuổi) một trong những hộ làm quạt giấy còn gắn bó với nghề, cũng là lúc bà đang cặm cụi phơi quạt cho được nắng để mai còn ra chợ Đông Ba giao hàng. Bà Việt cho biết, nghề làm quạt giấy ở xóm Chùa có từ rất lâu, là nghề truyền thống của cả xóm. Vì nhiều lý do khác nhau, quạt giấy dần dần bị mọi người lãng quên. Khi những chiếc quạt máy, máy lạnh thay thế thì quạt giấy chỉ còn trong ký ức của nhiều người. “Nhờ vào nghề làm quạt giấy này, bao gia đình nuôi con khôn lớn. Ngày xưa, khi nghề còn thịnh, xóm Chùa lúc nào cũng tấp nập người vô kẻ ra, người thì tới đặt hàng, người thì tới lấy hàng đưa đi bán các vùng lân cận. Giờ, cả xóm chỉ còn lại hai nhà vẫn cố bám nghề. Làm quạt cũng chủ yếu làm vào mùa nắng, nhiều người mua quạt phòng mất điện, nên vợ chồng tui cũng tăng năng suất kiếm thêm thu nhập”, bà Việt tâm sự.

Để làm ra được một chiếc quạt giấy người thợ phải trải qua nhiều công đoạn

Để có được một chiếc quạt nan như ý, người thợ phải bỏ rất nhiều công sức để chọn lựa từng ống tre làm nan quạt và từng thếp giấy để dán quạt. Tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên. Tre cắt thành ống, cạo lớp vỏ xanh, lấy dao tách cật ra tre, sau đó ngâm nước cho đủ độ mới pha ra làm xương quạt, như thế mới không mối mọt và nan quạt sẽ bền, đẹp. Khi vào giấy cho nan quạt đòi hỏi người thợ hết sức khéo léo, tỉ mỉ không để giấy bị nhàu, nếp gấp thẳng. Quạt được phất bằng bột sắn, trước khi đưa quạt đi phơi người thợ chà lại một lần nữa để bột được dín đều và bề mặt quạt không bị nhàu, gồ ghề.

Cũng là một người gắn bó với nghề làm quạt mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi) cho biết, làm quạt tuy không khó nhưng để có được chiếc quạt hoàn chỉnh, những người thợ phải trải qua 10 công đoạn khác nhau. Một cái quạt thành phẩm được bán với giá 1 ngàn đồng. Nếu hai vợ chồng làm đều tay thì mỗi ngày cũng làm được ba trăm chiếc, trừ chi phí lãi tầm 150 ngàn/ngày. “Xưa giờ quen với nghề làm quạt truyền thống, chừ cũng chẳng biết làm nghề chi khác, có tuổi rồi cũng không làm được việc nặng. Với lại nghề này gắn bó với gia đình suốt mấy chục năm nay, giờ bỏ thì không đành. Theo nghề, nghề nuôi, tới được đến đâu hay đến đó. Còn người dùng thì vợ chồng tui vẫn còn làm”, bà Mai chia sẻ.

 Còn ai giữ nghề?

Không giấu nỗi buồn sau tiếng thở dài, ông Nguyễn Tất Xá (61 tuổi, chồng bà Việt) cho hay, trước đây, cả xóm Chùa ai cũng biết làm quạt, từ mấy đứa nhỏ cho tới người lớn. Nhiều người từ nơi khác còn tới để học nghề. Nhưng giờ chẳng ai mặn mà với nghề này nữa. “Ngay cả mấy đứa con trong nhà có ai chịu theo nghề của mình đâu. Cũng không thể trách chúng nó đươc, không phải không muốn giữ lấy nghề của ông cha mà đời sống ngày càng hiện đại, quạt giấy bị “xếp xó” thì chúng phải đi kiếm nghề khác mà mưu sinh thôi”, ông Xá bộc bạch. Ông Xá cho biết thêm, quạt giấy xóm Chùa còn tồn tại đến ngày nay cũng chính nhờ sự tỉ mẩn, cẩn trọng qua từng công đoạn của người thợ nên mỗi chiếc quạt được làm ra rất bền, đẹp, khi quạt có nhiều gió, rất mát nên được nhiều người ưa chuộng.

Đời sống người dân không ngừng thay đổi từng ngày, dù không thiếu những phương tiện làm mát hiện đại như điều hòa, quạt điện, quạt đá, quạt hơi nước… nhưng chiếc quạt giấy vẫn có ý nghĩa riêng của nó. Quạt giấy vẫn là một phần quan trọng trong ký ức của người Việt, vừa là làng nghề truyền thống lâu đời, vừa là nét đẹp văn hóa đậm chất thôn quê xưa. Đâu đó, bóng dáng những chiếc quạt giấy phe phẩy dưới bóng râm nơi quán nước ven đường, hay chiếc quạt đong đưa theo cánh võng cùng lời ru tuổi thơ của bà, của mẹ. Chiếc quạt giấy bình dị thân thương ấy đã gắn bó, đi vào tiềm thức mỗi người như thế.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 11
Chung nhan Tin Nhiem Mang