Theo Ban Chỉ đạo chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại Ban 389 Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chống buôn lậu như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan... đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao liên quan đến thuốc lá, dược phẩm, hàng điện tử và đặc biệt là ma túy và vũ khí quân dụng.
Hơn 63.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ và xử lý, nhưng đây chỉ là số lượng nhỏ so với thực tế.
Bên cạnh đó, còn có nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại gây bức xúc trong dân, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn lương thiện khốn đốn. Đặc biệt, hàng giả đang chạy về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi các lực lượng chuyên ngành yếu – lỏng lẻo. Thị trường hàng hóa nông thôn đang bị đầu độc bởi nhiều loại hàng giả nguy hiểm đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại kinh tế và làm mất niềm tin của người dân.
Trên thực tế, hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trong và ngoài nước tại Việt Nam đang bị làm giả và tuồn ra thị trường ngày một nhiều khiến dư luận nhân dân lo lắng, thị trường xáo trộn. Đặc biệt, vấn nạn hàng giả liên quan đến thực phẩm đang gây nhức nhối xã hội, cần sự vào cuộc mạnh tay của các ngành.
Theo Tổng cục Hải Quan, các địa bàn và địa phương “nóng” về công tác buôn lậu, hàng giả như tuyến biên giới phía Bắc như Quảng Ninh – Lạng Sơn, Lào Cai… Tại các tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá, mỹ phẩm, xăng dầu vẫn diễn ra gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Tổng cục Hải Quan khẳng định, dù việc phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đang được phối hợp tốt nhưng số vụ vi phạm bị khởi tố còn rất nhỏ. Những tồn tại về sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm so với yêu cầu, chưa tháo gỡ được những khó khăn thực tiễn.
Cụ thể, tại Điều 25 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự, vô hình chung đã làm cho đối tượng lợi dụng chia nhỏ, xé lẻ số lượng để vận chuyển từ 500 - 1.200 bao nên không xử lý hình sự được.
Tại điểm b, khoản 4, Điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về việc tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm. Nhưng trên thực tế, đối với những vụ việc hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên lại không tịch thu được phương tiện do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định phòng chống hàng giả trong nước đã khó khăn nhưng chống hàng lậu hiện đang rất căng thẳng bởi lực lượng mỏng, yếu và một số địa phương có hiện tượng bao che cho buôn lậu và gian lận thương mại.
Các thủ đoạn buôn lậu hiện rất tinh vi, xảo quyệt, trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm như biên giới, biển, trong lĩnh vực XNK, kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, các khu kinh tế, KCN, khu chế xuất.
Theo báo cáo, các tuyến biên giới nóng nhất về buôn lậu là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... có đường biên giới giáp Trung Quốc; tuyến biên giới Tây Nam có đường biên giới giáp Lào, Campuchia, với địa hình phức tạp, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Đặc biệt, tội phạm hàng giả đang công khai vận chuyển bằng đường hàng không với những thủ đoạn tinh vi. Các mặt hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như: vàng, điện thoại di động, tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác…
Theo Dân trí
Theo BaoThuaThienHue.vn