Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nâng hạng PCI: Phải làm tốt hơn nữa cải cách hành chính
Ngày cập nhật 02/06/2016
TTH - Bàn các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và lắng nghe những ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong “Năm doanh nghiệp 2016” là nội dung của Hội nghị “Năng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế” do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì diễn ra vào sáng 31/5.

Đại diện các DN phát biểu đề xuất kiến nghị.

Hội nghị có sự tham gia của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cùng đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố cùng các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gần 100 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, nhờ đó PCI Thừa Thiên Huế có sự chuyển biến và được xếp vào top khá của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, PCI của Thừa Thiên Huế có chiều hướng sụt giảm, cụ thể: Năm 2013, chúng ta xếp thứ 2; đến 2014 tụt xuống vị trí 13 và năm 2015, PCI tỉnh đứng thứ 29/63 trong bảng tổng sắp, giảm 16 bậc. Tổng điểm PCI giảm 1,46 điểm so với 2014. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chí có 4 chỉ số thành phần đã cải thiện được vị trí, 1 chỉ số giữ nguyên và 5 chỉ số giảm bậc xếp hạng.

Nguyên nhân được Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, có thể do những nỗ lực của chúng ta chưa đạt được tốc độ như các địa phương khác, trong đó do bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ chế, chính sách, những quy định chưa phù hợp, chưa tạo được sự thông thoáng cho cộng đồng DN phát triển. Tất cả những tồn tại này cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá và có giải pháp phù hợp nhất để điều chỉnh trong thời gian tới. 

Thách thức hiện nay của Thừa Thiên Huế theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Pháp chế VCCI là số lượng DN trên địa bàn ít cũng như tỷ lệ DN bình quân đầu người quá thấp (trên 5.000 DN đăng ký kinh doanh nhưng thực tế chỉ có 2.975 DN đóng thuế, bình quân chỉ đạt 26,62%/10.000 dân). Ngoài ra, tổng thu ngân sách và tổng dự án FDI của tỉnh cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Ở một đánh giá khác, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, trong hội nhập hiện nay, các DN tỉnh cần gắn liền với các hiệp hội và hiệp hội phải gắn với các bộ ngành để tìm hiểu tình hình và điều chỉnh nó. Để không “chìm”, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin và phải “bay” cùng các DN trong cả nước để vươn lên.   

Tại hội nghị, các DN đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất mong được tháo gỡ. Giám đốc đối ngoại Công ty Laguna - bà Trương Thị Ngọc Huyền nêu: “Thủ tục đăng ký xây dựng, đăng ký DN cần nhanh gọn hơn để tạo điều kiện cho DN cũng như trong quá trình thanh, kiểm tra các sở, ngành cần kết hợp thực hiện và có kế hoạch cụ thể để tránh gây phiền hà, mất thời gian của DN”. 

“Tình trạng DN nhận văn bản chậm phải được cải thiện; việc thu phí bất hợp lý ở hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia cần sớm có giải pháp đồng thời phải đẩy nhanh thủ tục để bến số 2 tại Cảng Chân Mây sớm được khởi công trong năm nay”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây - ông Nguyễn Hữu Thọ kiến nghị.  

Giám đốc điều hành công ty Á Đông Lê Văn Trường thẳng thắn: “Chúng ta hiện có website của các sở ngành nhưng không được tốt lắm, vì vậy, tỉnh phải có bộ phận giải quyết những sự không hài lòng của DN”. Ngoài ra, các DN cũng đề xuất một số ý kiến, như: Cơ chế một cửa cần có đội ngũ cán bộ có đức, tài và kinh nghiệm để hướng dẫn nhà đầu tư thuận lợi; cần xem lại môi trường đầu tư “tại sao DN tìm đến Huế đầu tư và lý do nào họ lại ra đi”; công khai các chính sách về giải phóng, đền bù, cơ sở hạ tầng và các số liệu, dữ liệu của tỉnh cần có đầu mối để DN có số liệu chuẩn xác; nên hỗ trợ mạnh những nhà đầu tư tiên phong, có hiệu quả...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao giải đáp những đề xuất, kiến nghị liên quan. Tỉnh đã thành lập trung tâm xúc tiến và hỗ trợ DN trực thuộc UBND tỉnh và trung tâm đang hoàn chỉnh phần mềm để theo dõi toàn bộ tiến trình công việc của các dự án từ khi đăng ký đến khi đưa vào vận hành. Vì vậy, mong các DN cùng phối hợp.

Ông Nguyễn Văn Cao cũng đồng tình với ý kiến của các DN về việc phải có đầu mối xử lý, giảm tối thiểu việc thanh, kiểm tra các DN. Về vấn đề này, tỉnh đang cố gắng giao thanh tra chủ trì và phối hợp để thực hiện. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo và tập trung thực hiện việc rút ngắn thời gian, thủ tục; tối đa sự minh bạch, công khai về chỉ tiêu, số liệu để tất cả các DN có thể tiếp cận; trong đó, có việc hoàn thiện vận hành Cổng thông tin điện tử để tạo điều kiện cho người dân và DN tiếp cận thông tin; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có kế hoạch cụ thể và kiểm soát việc thực hiện của các sở, ngành, địa phương nhằm cải thiện chỉ số PCI. Tỉnh cũng mong muốn và ủng hộ các DN thực hiện việc bình chọn và công khai công chức giỏi, công chức kém; trong năm cũng sẽ sắp xếp lại các tổ chức về xúc tiến đầu tư trên địa bàn thành một mối thống nhất.

LIÊN MINH

 

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 558
Chung nhan Tin Nhiem Mang