Bám biển
Giữa mùa biển, Cảng cá Thuận An tấp nập tàu thuyền. Những chiếc tàu từ khơi xa về cập cảng với khoang cá đầy ắp. Vài chiếc tàu nổ máy xuất bến, bắt đầu một chuyến biển mới. Nhìn hàng chục chiếc tàu neo đậu đang tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, chủ tàu Trần Dành chia sẻ, từ ngày thành lập chi hội nghề cá đến nay mỗi khi đi khai thác biển, các hội viên che chở, đùm bọc lẫn nhau; liên kết làm ăn theo tổ, đội, anh em luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi xảy ra tình huống xấu. Đó cũng là động lực giúp anh em hội viên quyết tâm bám biển, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Cung ứng dầu, đá chuẩn bị ra khơi
Với kinh nghiệm 20 năm vươn khơi bám biển, thuyền tàu trưởng TTH 92023 Trần Văn Lu, được anh em tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An. Ông Lu chia sẻ, Tân Bình là địa phương sống bằng nghề. Có chi hội khai thác biển, bà con mạnh dạn bám biển dài ngày, sản lượng đánh bắt cao hơn. Ngày trước đi riêng lẻ, thường bị các tàu nước ngoài lấn ngư trường, nay thì không còn bị họ uy hiếp.
Gian khó, cực nhọc nhưng bà con ngư dân vẫn vững chắc tay lái để vượt qua “phong ba bão táp”. Bao đời nay, hàng vạn ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh. Càng ngày, tình yêu biển đảo quê hương trong mỗi ngư dân càng được được nhân lên. “Tôi ước rằng mình ôm được biển cả vào lòng. Dù đứng trước khó khăn, nhưng bà con không nản lòng. Hiện nay, số lượng tàu thuyền của ngư dân trong chi hội tham gia khai thác thủy hải sản ở Hoàng Sa ngày một tăng” - ông Nguyễn Thoạn, ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) chia sẻ.
Bảo vệ chủ quyền
“Dù ở hoàn cảnh nào, bà con ngư dân chúng tôi cũng một lòng, một dạ, kiên định bám sát ngư trường để tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam” - ngư dân Lê Văn Ngọc, chủ tàu THH 91899 ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) tâm sự.
Tàu rời Cảng cá Thừa Thiên Huế ra khơi, bám biển
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Giúp bà con ngư dân vững tin để tham gia khai thác thủy hải sản trên biển, chi cục thường xuyên phối hợp và chỉ đạo các tổ, đội khai thác thủy hải sản trên biển phải đoàn kết để giúp nhau phát triển kinh tế. Các tàu thuyền ra khơi phải theo tổ, đội; khi có sự cố xảy ra giúp đỡ lẫn nhau và báo ngay về đất liền để các cơ quan chức năng kịp thời giúp đỡ”.
Hỗ trợ ngư dân, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan ban ngành thường xuyên động viên, nhắc nhở bà con cảnh giác hơn, đoàn kết hơn, xem tàu là nhà, biển là quê hương. Vùng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là nơi nuôi sống bao thế hệ. Ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn là sự chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương….
Yêu biển, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, khai thác hải sản cách bờ biển hàng trăm hải lý. Mới đây, ông Trần Văn Chiến, ở xã Phú Thuận (Phú Vang) vừa đầu tư đóng mới chiếc tàu cá vỏ thép theo chủ trương Nghị định 67 của Chính phủ. Tàu cá dài 28m, rộng 6,8m, cao 2,8m; tổng công suất máy trên 800 mã lực. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 50 tàu khai thác xa bờ cỡ lớn. Kết quả đó cho thấy tốc độ tăng trưởng tàu cá xa bờ đang có nhiều đột phá cả về số lượng tàu và chất lượng.
Để những chuyến ra khơi được an toàn và bội thu, ngư dân Thừa Thiên Huế đang tiếp tục huy động sức mạnh trên biển bằng việc phát huy tinh thần đoàn kết trong ngư dân thông qua 14 đội và 40 tổ khai thác thủy hải sản trên biển. Đó là điều kiện cần và đủ giúp bà con ngư dân đồng sức, đồng lòng quyết tâm cùng nhau vươn khơi bám biển, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Thanh Thuận
Theo BaoThuaThienHue.vn