Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Mua chung cư: Người dân “nắm dao đằng lưỡi”
Ngày cập nhật 09/06/2016
Tại các chung cư hiện nay đang tồn tại nhiều kiểu tranh chấp song phần lớn chủ đầu tư lại đẩy người mua nhà vào tình thế bất lợi.

Những ngày qua rộ lên chuyện các hộ dân tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TPHCM) bỗng nhiên nhận được thư đòi phát mãi căn hộ của ngân hàng, vì những khoản nợ của chủ đầu tư cách đây hơn 2 năm mà họ không hề hay biết. Sự việc này không còn dừng lại là lời cảnh báo, trên thực tế đang tồn tại nhiều kiểu tranh chấp khác nhau, khiến cho tâm lý người dân sống ở nhà chung cư ngày càng thêm lo lắng, bất an.

Người dân tại tòa nhà Lanscater đang khiếu kiện chủ đầu tư vì những tranh chấp nảy sinh kéo dài. (Ảnh: Internet)

Ngay tại Hà Nội, tòa nhà Lanscater (20 Núi Trúc, Ba Đình) cũng đang khiến các cư dân ở đây bức xúc, oan ức vì chủ đầu tư đã hô biến các “diện tích chung” thành “sử dụng riêng”, rồi hô biến khu kỹ thuật thành các căn hộ “bán 50 năm” và khiến các khách hàng phải vướng vào vòng kiện tụng. Sự việc xảy ra, chủ đầu tư vô tư “im lặng” trước các câu hỏi của cư dân tại đây, còn chính quyền gần như “đứng ngoài cuộc”.

Bà Nguyễn Thị Khuyến, 67 tuổi, khách hàng của tòa nhà chung cư Lancaster cho biết, bà đã phải gom góp tiền nong, bán rẻ mảnh đất, vay mượn bạn bè và ngân hàng để dồn tiền mua căn hộ tại chung cư này. Sau khi ký hợp đồng mua nhà, đặt cọc gần chục tỷ đồng đã mấy năm, tới khi giá nhà đất lên, chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng, chia nhỏ căn hộ và bán cho người khác, khiến bà muốn giải quyết tình cảm, hòa thuận cũng không được.

“Tôi đã kí hợp đồng và đặt cọc tiền nhưng chủ đầu tư lại đơn phương chấm dứt hợp đồng là điều hết sức vô lý. Ban đầu đặt mua hai bên cùng vui vẻ, tôi đã nộp vào gần chục tỷ đồng nhưng giờ chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, không bán nhà theo hợp đồng đã kí mà cắt từng lô bán hết cho mọi người”, bà Khuyến bức xúc nói.

Nhiều hộ dân ở tòa nhà Lanscater còn cho biết, ngoài việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, chia nhỏ diện tích bán cho người khác với giá cao gấp nhiều lần, chủ đầu tư còn “nhập nhèm” trong phần diện tích sở hữu chung, riêng. Hiện 44 hộ dân tại tòa nhà Lanscater đã phải gửi đơn kiến nghị, kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Nguy hại hơn, các hộ dân ở đây còn lo ngại họ bị biến thành “con nợ” tiền phí sử dụng tòa nhà.

Anh Vũ Anh Dũng, cư dân tòa nhà Lancaster đặt câu hỏi nghi ngờ chủ đầu tư và bức xúc vì cách giới thiệu trước sau bất nhất: “Lúc mới đến chủ đầu tư nói là tất cả diện tích chung của tầng 1, tầng hầm, nhà để xe sẽ là diện tích chung. Tuy nhiên đến nay đã thay đổi, khu tầng 7 là khu vui chơi là rộng nhưng hiện nay đã bị thu hẹp lại rất nhiều và chủ đầu tư chính thức tuyên bố đây không còn là diện tích chung. Người dân bức xúc hai vấn đề về diện tích chung, riêng và chi phí quản lý cũng như phí bảo trì”.

Giới thiệu một đằng, thực hiện một nẻo đã khiến các cư dân tòa nhà Lansacter - một tòa nhà được được giới thiệu là tiện ích, đẳng cấp ngay tại trung tâm quận Ba Đình Hà Nội đang gửi đơn tới các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền đề nghị được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Cho tới nay, chủ đầu tư xây dựng sai phép, cư dân bị đuổi ra đường là tình trạng đang diễn ra tại các dự án chung cư tại TP HCM. Chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng, chia nhỏ căn hộ và bán cho người khác; nhập nhèm diện tích chung, riêng, biến chính các cư dân của tòa nhà thành các “con nợ” tiền phí bảo trì chung cư lại là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội.

Bất lợi hơn, khi tranh chấp hợp đồng mua bán chung cư xảy ra, bao nhiêu thiệt thòi, rủi ro đè nặng lên vai người mua nhà. Vì sao vậy? Luật sư Phạm Văn Khánh, Giám đốc điều hành công ty CP Tư vấn Hà Nội Luật phân tích: Người bán (Chủ đầu tư) luôn có lợi thế tại chính các dự án. Họ thường nghĩ ra cách thức để có lợi thế ngay từ ban đầu, trong quá trình thực hiện ký hợp đồng đối với người mua hợp đồng.

“Chắc chắn người mua nhà đang phải chịu rủi ro nên rất cần được pháp luật và nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên, đối với trường hợp tòa nhà Lancaster, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chịu phạt hợp đồng, bồi thường toàn bộ những trách nhiệm. Đồng thời, chủ đầu tư còn phải chịu trách nhiệm với cơ quan nhà nước kể cả về mặt hình sự hay dân sự”, Luật sư Phạm Văn Khánh chỉ rõ.

Cực chẳng đã, cư dân của các tòa nhà chung cư trong Nam hay ngoài Bắc mới phải tham gia kiện tụng. Bởi ngay từ khi ký kết hợp đồng, người mua nhà đã ở vào thế bất lợi “nắm dao đằng lưỡi”.

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý có sự giám sát, quản lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là sự minh bạch của thị trường bất động sản thì vài trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là điều vô cùng quan trọng.

Theo VOV

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 34
Chung nhan Tin Nhiem Mang