Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp qua sàn chứng khoán, có khả thi?
Ngày cập nhật 20/06/2016
Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tìm được vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp huy động được vốn, Chính phủ đang thúc đẩy thành lập sàn giao dịch chứng khoán dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ý tưởng này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

Khởi nghiệp từ sản xuất nông sản sạch, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao, chị Vũ Thị Phương Minh, chủ cơ sở sản xuất ở tỉnh Nghệ An cho biết, khi mới bắt tay thực hiện các ý tưởng kinh doanh, một trong những vấn đề khó khăn nhất là tìm vốn đầu tư.

Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thu hút vốn từ các quỹ đầu tư. (Ảnh minh họa: Báo Công thương)

Với mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chị Minh có thể tiếp cận vốn theo chương trình phát triển quốc gia về công nghệ cao, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không được nhiều. Chủ yếu vẫn phải vay ngân hàng, với thế chấp tài sản của gia đình, lãi suất ở mức khá cao từ 10-12%/năm.

Do đó, khi có thông tin về việc hình thành sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp, chị Minh cho rằng, đây là một cơ hội tốt đối với các bạn trẻ và các doanh nghiệp đang có những ý tưởng kinh doanh tiềm năng.

“Nếu có sàn giao dịch chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì quá tốt. Hiện nay khó khăn nhất của các bạn khởi nghiệp và ngay cả bản thân mình đó là vốn. Những người có vốn thì không tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp. Người khởi nghiệp lại không tìm được nhà đầu tư ở đâu,” chị Minh chia sẻ.

Cho đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu kêu gọi vốn từ các kênh như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư nhà nước, các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc gọi vốn từ các kênh này vẫn rất khó khăn. Do đó, ý tưởng thành lập một sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp nhằm kết nối các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư để giúp ý tưởng kinh doanh sớm trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo anh Trương Đức Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Trí Nam, vẫn còn nhiều băn khoăn với việc thành lập một sàn chứng khoán riêng cho khởi nghiệp.

“Về thị trường vốn nên nhìn bức tranh toàn cảnh. Hiện tại sàn Upcom đã nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng có huy động được vốn hay không lại là chuyện khác. Dòng tiền vẫn chảy vào các nơi có cơ hội thực tế. Nếu doanh nghiệp không vận hành hiệu quả thì cũng không thu hút được vốn trên sàn chứng khoán. Nên tôi nghĩ có thể phát triển sàn OTC (cổ phiếu chưa niêm yết) trên nền tảng hiện tại, không nhất thiết phải có một sàn riêng,” anh Tùng nói.

Thực tế, mô hình sàn chứng khoán dành cho khởi nghiệp đã xuất hiện trên thế giới. Như tại Hàn Quốc, đã có sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp mang tên KONEX, thành lập từ năm 2013. Chỉ sau 3 năm hoạt động, số lượng công ty niêm yết của KONEX đã tăng gấp 6 lần, giá trị vốn hóa thị trường tăng gấp 10 lần, lên tới 4,1 tỷ USD.

Theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang soạn thảo nghị định về quỹ mạo hiểm, xây dựng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, sàn giao dịch phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Upcom đang hoạt động với hơn 300 doanh nghiệp... Đây là những điều kiện nền tảng để Việt Nam có thể thúc đẩy hình thành sàn giao dịch chứng khoán dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Vũ Bằng cho rằng, hiện đã có sàn Upcom và có thể dùng luôn sàn này cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng cần có quy định riêng, các điều kiện niêm yết tương đối thấp, nghĩa vụ công bố thông tin, tài chính... không quá khắt khe.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thành lập sàn chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp là ý tưởng hay nhưng không phải đơn giản. Doanh nghiệp muốn lên sàn cần có những báo cáo tài chính minh bạch, được kiểm toán độc lập. Trong khi đó, những doanh nghiệp khởi nghiệp dù tiềm năng, nhưng độ rủi ro cũng cao, nên các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư khá dè dặt và thận trọng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo: “Đây là một ý tưởng tốt nhưng khó khả thi. Thay vì lập sàn chứng khoán thì Chính phủ có thể lập trung tâm giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt tại Hà Nội và TPHCM để các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đến tìm hiểu nhau và hỗ trợ nhau. Đây là trung tâm giao dịch thông tin cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đến để trao đổi về phương án kinh doanh với các nhà đầu tư, ngân hàng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cộng tác với nhau để làm ăn.”

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song theo các chuyên gia, ý tưởng thành lập sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp cho thấy thông điệp của Chính phủ về việc tạo tạo điều kiện thuận lợn cho doanh nghiệp khởi nghiệp - những nhân tố tiềm năng của nền kinh tế trong tương lai.

Ý tưởng khởi nghiệp qua sàn giao dịch chứng khoán đã được Chính phủ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát triển thành đề án. Và từ đền án đến thực hiện vẫn còn một chặng đường dài. Nếu thực hiện thành công, đây có thể là một trong những yếu tố góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, gần gấp đôi so với con số doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo VOV

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 4.116
Chung nhan Tin Nhiem Mang