Trong 5 năm tới, dự báo nhu cầu vốn của ngành giao thông vận tải cần đến hơn 1.039 nghìn tỷ đồng. Hàng loạt mục tiêu được đặt ra như hoàn thành 2.000 km đường cao tốc, xây dựng đường sắt tốc độ cao, nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn từ ODA, nguồn tín dụng ngân hàng đều khó khăn. Nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn cho các dự án giao thông đang đặt ngành giao thông trước nhiều thách thức.
Giai đoạn 2016-2020 ngành giao thông dự kiến sẽ đầu tư thêm hơn 1.500 km đường cao tốc. (Ảnh minh họa: KT)
Giai đoạn 2016-2020 ngành giao thông dự kiến sẽ đầu tư thêm hơn 1.500 km đường cao tốc, nâng cấp hơn 7.200 km đường quốc lộ. Bên cạnh đó, hàng loạt “siêu” dự án chuẩn bị triển khai như xây dựng đường sắt tốc độ cao, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 5 năm tới là hơn 1.039 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 11%. Phần còn lại, tương đương khoảng hơn 900.000 tỷ đồng sẽ cần được huy động từ bên ngoài.
Ngân sách đã tính toán hết cỡ
Trong 5 năm vừa qua, vốn tín dụng ngân hàng dành cho giao thông tăng trưởng lớn, với 327.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách, trong đó tính đến 30/12/2015 của 21 tổ chức tín dụng cam kết cho vay là 251.000 tỷ đồng và đã giải ngân 101.000 tỷ. Riêng năm 2015, tăng trưởng tín dụng cho các dự án giao thông hơn 118%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của cả nước 17%.
Nhìn lại 5 năm qua cho thấy, trong nền kinh tế, ngành giao thông có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh nhất. Đến thời điểm này, số vốn của các tổ chức tín dụng đã cam kết 209.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 85%.
Cần nhìn nhận lại tăng trưởng tín dụng cho giao thông hiệu quả đến đâu, an toàn thế nào, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN nêu ý kiến, năng lực tài chính của nhà đầu tư rất yếu, nhiều chủ đầu tư vay nhưng dự án kéo dài nên khó khăn cho doanh nghiệp vay. Nhiều dự án trong quá trình đầu tư tăng tổng mức đầu tư, khó khăn về bố trí vốn tăng. Cho vay dài hạn với các dự án giao thông, hơn 200.000 tỷ dư nợ, thời gian đầu tư thu hồi dài 15 - 20 năm nhưng thu hồi vốn chủ yếu là thu phí do đó hệ thống ngân hàng đang siết lại.
Trong những năm qua, nguồn ngân sách dành cho giao thông là lớn nhất, chiếm 35% tổng số vốn của tất cả các bộ, ngành. Hai năm 2014 và 2015 ngành giao thông đã giải ngân được nhiều hơn so với kế hoạch dự kiến từ 20.000 – 30.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy nợ công, tăng bội chi ngân sách.
Trong khi đó, yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông trong 5 năm tới rất lớn nhưng vốn ngân sách và vốn ODA chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Trong nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ mà ngành giao thông đề nghị là 150.000 tỷ đồng là không khả thi khi trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành trong 4 năm tới chỉ là 200.000 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách chỉ sử dụng vào những dự án trọng điểm, thật sự cần thiết sẽ là cơ hội thu hút các nguồn lực khác đầu tư. Theo đó, ngành giao thông cần tính đến phương án bán, nhượng quyền khai thác các dự án đã hoàn thành, tháo gỡ cơ chế để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ trong dân, nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư hợp tác công tư PPP.
“Các giải pháp cần rất chú ý để huy động theo hình thức hợp tác, đầu tư không phải là hình thức vay. Nếu vẫn loanh quanh tập trung vào vay thì sẽ tác động ngay đến nợ công và bội chi ngân sách. Trong các phương án cân đối ngân sách trong 5 năm tới, chúng ta đã tính toán đến hết cỡ rồi. Khả năng nâng lên nữa là hết sức khó khăn”, ông Hải cho biết.
Doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn
Ông Hoàng Hà Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tasco dự báo, thời gian tới, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải sẽ rất khó khăn, các nhà thầu đứng trước nguy cơ không có việc. Nguồn vốn ngân sách và các nguồn lực khác rất hạn chế, còn lại nguồn vốn xã hội hóa của giao thông là BT và BOT cũng khó khăn. Nếu thực hiện BT (đổi đất lấy hạ tầng) trong khi bất động sản không tăng trưởng cũng khó thực hiện. BOT giao thông đang có dư luận xã hội không đồng tình về việc thu phí.
Do đó, đầu tư BOT cũng cần sàng lọc để có những dự án giao thông thực sự hiệu quả. Việc đa dạng hóa loại hình vận tải giảm tỉ lệ vận tải đường bộ, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn liền với cơ cấu lại các loại hình vận tải là cần thiết.
“Đối với 11% nguồn vốn ngân sách nếu đem ra đầu tư không mang lại hiệu quả, phải dùng 11% để thực hiện PPP (đối tác công tư) để thu hút các nguồn lực nhà nước đầu tư cùng doanh nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu để phát triển hạ tầng giao thông mới vì nếu hạ tầng giao thông không phát triển thì kinh tế sẽ khó phát triển được”, ông Phương nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ngân hàng… đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 30% vốn cho những dự án hạ tầng giao thông, nhà đầu tư góp 30% vốn nữa và còn 40% là vốn tín dụng. Đây cũng là một giải pháp để thực hiện PPP (đầu tư đối tác công tư) với nguồn vốn ngân sách nhà nước là đòn bẩy để thu hút nguồn lực.
Theo VOV
Theo BaoThuaThienHue.vn