Giờ “G”
Theo quy định, đến thời điểm 1/7, doanh nghiệp nào chưa thực hiện, đồng nghĩa với việc vi phạm điều kiện kinh doanh, sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải và bị xử phạt theo Nghị định 171.
Từ ngày 1/7/2016 xe tải ben như trên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết, đơn vị đang chần chừ có nên lắp thiết bị GSHT hay không, bởi hiện tại, doanh nghiệp đã lắp thiết bị GSHT cho 5 xe tải trên 10 tấn, nhưng chỉ thời gian ngắn, một số thiết bị đã rơi vào tình trạng mất sóng hoặc sóng không ổn định khiến công ty không thể giám sát các phương tiện.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở Giao thông vận tải) cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện đã ý thức rõ việc lắp đặt thiết bị GSHT và chủ phương tiện quản lý tài sản của mình thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 100% xe tải trọng trên 10 tấn đã lắp đặt xong thiết bị GSHT. Với phương tiện từ 7 đến dưới 10 tấn từ 1/7 phải thực hiện quy định này. Toàn tỉnh, có khoảng 700 xe có trọng tải từ 7 đến dưới 10 tấn, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương tiện nào đăng ký cấp phù hiệu và lắp thiết bị GSHT. Hiện, sở tăng cường tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, dán thông báo ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế cho các chủ phương tiện, lái xe biết để thực hiện.
Ngoài những doanh nghiệp quy mô lớn có nhu cầu lắp để phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh của mình, hiện không ít các hộ kinh doanh cá thể chỉ lắp GSHT để đối phó, không quan tâm nhiều đến sử dụng thiết bị để đảm bảo an toàn giao thông.
Cần hậu kiểm
Hiện nay, tất cả dữ liệu của xe hàng ngày được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Mỗi tháng 1 lần, Tổng cục Đường bộ sẽ gửi kết quả đến Sở Giao thông vận tải, căn cứ vào đó, Sở Giao thông vận tải sẽ nhắc nhở và xử phạt doanh nghiệp, lái xe vi phạm.
Tới đây, số lượng phương tiện nằm trong diện phải lắp đặt thiết bị GSHT trên địa bàn tỉnh rất lớn, tạo ra áp lực đầu tư không nhỏ lên các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, do hạ tầng thông tin chưa tốt nên cần vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Phần lớn thiết bị chỉ có tác dụng giúp doanh nghiệp tự quản lý phương tiện, lái xe của mình, còn việc xử lý hành vi vi phạm an toàn giao thông qua thiết bị GSHT nhưng chưa chặt chẽ nên chưa có tính răn đe đối với người vi phạm.
Ông Phạm Quang Hồng cho rằng, hiện mới có khoảng 75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN, còn 25% phương tiện không truyền. Nguyên nhân chủ yếu do phương tiện đang trong thời gian nghỉ không hoạt động hoặc đang bảo dưỡng, sửa chữa; thiết bị và phần mềm của nhà cung cấp có sự can thiệp của doanh nghiệp vận tải mà cụ thể là lái xe….
“Doanh nghiệp vận tải thì đổ lỗi cho các nhà cung cấp, nhà cung cấp lại đổ cho doanh nghiệp. Theo tôi, cần siết các nhà cung cấp trước, nếu nhà cung cấp nào chỉ đạt 75% tỷ lệ truyền, cần phải chỉ rõ nguyên nhân. Nếu nhà cung cấp không đưa ra được nguyên nhân phải có sự khuyến cáo, thậm chí thông báo chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp không đạt”, ông Hồng nói.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 11 đơn vị lắp đặt thiết bị GSHT, gốm Viettel Thừa Thiên Huế, Công ty CP Bảo Toàn Việt, Công ty CP Điện từ Ánh Dương, Công ty CP Điện tử Bình Anh…. Mỗi thiết bị có giá từ 3 đến 7 triệu đồng, tùy theo chất lượng và của từng đơn vị cung cấp khác nhau. |
Bài, ảnh: Thanh Thuận
Theo BaoThuaThienHue.vn