Thuế không phải gốc của vấn đề
Liên quan tới cách tính thuế nhập khẩu làm cơ sở tính giá bán lẻ xăng, dầu, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ trả lời các kiến nghị của Bộ Công Thương. Trước đó, quy định dùng mức thuế ưu đãi (MFN) để tính giá cơ sở xăng, dầu đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng, khi xăng, dầu nhập về từ một số nước, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) có mức thuế thấp hơn thuế MFN. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ đã đồng ý dùng mức thuế bình quân gia quyền (mức thuế bình quân thuế ưu đãi - MFN và thuế suất ưu đãi đặc biệt - các FTA) để tính giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Tài chính cho rằng, về lâu dài, xăng dầu trong nước đã sản xuất được (đã có Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, và năm 2017 là Nghi Sơn, kho quan ngoại Vân Phong cũng đã pha chế được). Vì vậy, về cơ bản xăng, dầu trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa, nên giá cơ sở bán lẻ xăng dầu căn cứ vào giá xăng dầu nhập khẩu không còn phù hợp.
Đồng thời, nhóm các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá cũng không có mặt hàng nào điều hành theo giá cơ sở như giá xăng dầu, trong khi giá xăng, dầu đã có giá tham chiếu được công khai tại thị trường thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng, giá cơ sở xăng, dầu nhằm bình ổn giá bán lẻ trong nước, nhưng ngoài ra còn các công cụ khác như chi phí, lợi nhuận định mức… nên nhiều khi giá bán xăng, dầu tại Việt Nam thấp hơn các nước lân cận, tạo ra tình trạng buôn lậu, nhà nước lại phải tìm biện pháp phòng chống. Ngoài ra, thời gian tới sẽ có một số doanh nghiệp nước ngoài vào phân phối xăng, dầu tại Việt Nam.
Bộ Tài chính thấy rằng, việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu xăng, dầu sẽ không giải quyết được gốc vấn đề. Đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam, cũng như các bên đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương (cơ quan xây dựng Nghị định 83) chủ trì, chủ động nghiên cứu kinh nghiệm về kinh doanh xăng, dầu của các nước trên thế giới. Đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 thời gian qua và thực tế sản xuất, cung ứng xăng, dầu trong nước. Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp.
Cho Dung Quất được quyền quyết giá?
Trước đó, ngày 29/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ về cách tính thuế nhập khẩu xăng, dầu. Bộ Công Thương cho rằng, phương pháp tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng, dầu, chưa đúng diễn biến giá thế giới, có thời điểm giá xăng dầu trong nước ngược chiều thế giới.
Nhưng theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam có 3 loại thuế với xăng dầu nhập khẩu, gồm: Thuế suất ưu đãi (MFN), thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA và thuế suất thông thường. Vì vậy, việc dùng 1 trong 3 loại thuế suất này, hoặc thuế bình quân để tính giá cơ sở xăng dầu đều phù hợp quy định. Ngoài ra, hiện nay các mức thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau giữa các thị trường, có nước ký FTA với Việt Nam, có nước không ký, và các FTA cũng có mức thuế khác nhau.
Theo Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu luôn được đưa vào danh mục loại trừ hoặc nhạy cảm cao. Để đạt được các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt trong các cam kết FTA rất khó khăn, phải có sự đánh đổi về lợi ích từ các ngành khác.
Vì vậy, việc đồng nhất ngay các mức thuế suất ưu đãi MFN của xăng dầu theo mức thấp nhất trong các cam kết FTA, Bộ Tài chính cho là không hợp lý, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, các cam kết với nhà máy trong nước.
Theo Bộ Công Thương, tính thuế bình quân gia quyền có thể ảnh hưởng tới tiêu thụ xăng dầu của các nhà máy trong nước. Nhưng theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, bộ này đang phối hợp với các bộ ngành báo cáo Thủ tướng sửa đổi cơ chế ưu đãi tài chính cho nhà máy. Theo đó, hướng sửa là cho nhà máy Dung Quất được quyền quyết định giá bán để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo Tiền phong
Theo BaoThuaThienHue.vn