Đường Dương Văn An “dính” quy hoạch “treo” gần 20 năm
Chờ đợi và... chờ đợi
Câu chuyện về quy hoạch “treo”, chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi đến chốn dù không mới, song chưa bao giờ thôi “nóng” ở những hội nghị liên quan, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri giữa các Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Dự nhiều buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Huế, điều chúng tôi ghi nhận là ở buổi tiếp xúc nào cũng có phản ánh về tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, khiến dân khổ sở, đi không được, ở không xong, mưa lụt, nắng bụi…
Tại buổi tiếp xúc với cử tri hai phường Xuân Phú, Vỹ Dạ (TP. Huế), tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Xuân Phú, Phan Văn Tuấn bức xúc: “Đường Dương Văn An có quy hoạch mở rộng gần 20 năm nay. Đoạn từ Hà Huy Tập đến Bà Triệu đã thực hiện. Đoạn còn lại kéo dài đến đường Nguyễn Lộ Trạch mãi sao chưa thấy động tĩnh. Người dân mỏi mòn chờ đợi, xin hỏi bao giờ Nhà nước mới triển khai?”
Nếu thực hiện tốt quy hoạch, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ nâng lên
Câu hỏi này, chúng tôi cũng nghe khá nhiều cử tri khác, ở những buổi tiếp xúc khác trình bày, chỉ khác là trạng thái, cảm xúc và cách bổ sung thêm một số vấn đề chi tiết, cụ thể hơn, đại loại như: “… Từ lúc con gái tôi còn đi học đã có quy hoạch, nay cháu lấy chồng, sinh con; cháu gái tôi cũng chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, nhưng quy hoạch vẫn cứ quy hoạch. Nhà cửa không dám sửa, 6-7 con người chen chúc, phòng khách cũng là phòng ngủ, phòng ăn, sinh hoạt chung…”
Những tâm tư này, dù không sống trong vùng quy hoạch nhưng nhiều người cũng cảm thông, chia sẻ, khi ngay trên địa bàn TP. Huế đi đâu cũng có thể gặp quy hoạch “treo”, nếu không muốn nói là hầu như phường nào cũng có...
Bao giờ mới hết treo?
Liên quan đến những bức xúc của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trong giải đáp, trả lời, đã chân tình, rằng những điều cử tri phản ánh, lãnh đạo tỉnh đều hiểu, biết và nắm rõ. Câu chuyện thiếu vốn, ngân sách không đảm bảo đầu tư đầy đủ các công trình đã quy hoạch mà chỉ có thể là làm dần, làm từng giai đoạn, một lần nữa được lãnh đạo tỉnh chia sẻ để mong nhận sự cảm thông từ người dân.
Đường Dương Văn An theo quy hoạch mở rộng chỉ mất vài chục tỷ đồng đầu tư, song giá trị đền bù gấp 3-4 lần, nên dù muốn cũng khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Thế nên, câu hỏi bao giờ mới triển khai, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Đường Bà Triệu, Trần Phú, Trung tâm Văn hóa phía Tây Nam TP. Huế, mở rộng xây dựng Đại học Huế, công viên Ngự Bình… cũng tương tự. Khác là, ở một số dự án vừa nêu, có dự án đang triển khai áp giá đền bù, như dự án mở rộng xây dựng Đại học Huế, nhưng tiến độ ì ạch, sau hơn 10 năm vẫn chưa dứt điểm. Hay như công viên Ngự Bình, dù đã được thu hồi, giao cho Đại học Huế điều chỉnh quy hoạch theo hướng xây dựng mở rộng Đại học Huế, song, đến nay chỉ đầu tư nhỏ giọt.
Khu đô thị mới An Vân Dương cũng chậm tiến độ thực hiện khá nhiều quy hoạch Khu A, B, C… Đến nay, hạ tầng kỹ thuật chỉ có khu A cơ bản đảm bảo, các khu còn lại chỉ sơ khai thực hiện. Trong khi đó, nhiều vùng dân cư đã quy hoạch, dự kiến sẽ di dời nhưng chưa biết khi nào thực hiện, khiến người dân vừa ở, vừa lo.
Quan điểm của lãnh đạo TP. Huế là hoàn toàn có lý, khi cho rằng các quy hoạch được thực hiện để lái con thuyền đô thị đi đúng hướng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, tùy hứng, mỗi người mỗi kiểu, là cách để giữ thành phố đẹp, đồng bộ và văn minh hơn. Thế nhưng, nếu xét trên góc độ người dân, sống trong vùng quy hoạch không chỉ là sự chờ đợi quá dài mà còn là một cuộc đấu tranh giữa ở và đi, giữa được và mất và vô số những ràng buộc vô hình khác mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, công tác phản biện quy hoạch rất quan trọng, để loại những quy hoạch chưa cần thiết, thiếu hoặc chưa có cơ sở triển khai. Chỉ tiếc là ở nước ta, vấn đề này chưa được chú trọng. Dù có trưng bày, trưng cầu ý kiến trước lúc công bố thông qua, song liệu có mấy ai hiểu, đọc và góp ý, khi mà hầu hết các quy hoạch đều thể hiện kiến thức chuyên môn, bằng các thiết kế, bản vẽ mà người “ngoại đạo” không dễ gì hiểu hết?
Trong lúc công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu vốn đầu tư xây dựng nhiều dự án quy hoạch, điều mà người dân quan tâm là tại sao tỉnh không mạnh dạn rà soát, loại bỏ những quy hoạch ngoài tầm với để chất lượng đời sống đô thị được cải thiện nhiều hơn.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ
Theo BaoThuaThienHue.vn