Tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại quan điểm Chính phủ sẽ thực hiện là Chính phủ kiến tạo, chính vì vậy công tác xây dựng thể chế rất quan trọng. “Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đóng gói sữa tại Công ty Sữa Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Nhật Anh
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Bên cạnh đó có những việc Nhà nước cần quản lý thông qua thể chế, chính sách. Không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường mà Nhà nước cần quản lý, không thể buông hết bởi sẽ dễ bị lạm dụng”.
Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, đến nay đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4.
Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay đã trình Chính phủ 49 trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.
Cho rằng Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào, Thủ tướng nêu rõ, không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.
Khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh sẽ được loại bỏ
Trước đó một ngày, Văn phòng Chính phủ và Bộ KHĐT cũng đã họp với các bộ, ngành về tình hình, tiến độ và kết quả xây dựng các nghị định quy định thi hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, các văn bản được ban hành ra phải đi vào thực tiễn cuộc sống với tinh thần là cởi trói, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển, bỏ giấy phép con trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Những quy định nếu thấy không phải là những điều kiện kinh doanh thì đều phải gạt bỏ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.
“Chúng ta đảm bảo về tiến độ nhưng cũng đảm bảo về chất lượng. Ranh giới giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, quy phạm thì quan điểm là thà bỏ sót còn hơn đưa vào nghị định để trói buộc” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
Một thành viên tham gia vào quá trình rà soát, xây dựng báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Tuy nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị đã được các bộ, ngành đồng ý, chấp thuận, tuy nhiên vẫn còn nhiều lo ngại vì việc xây dựng văn bản, quy định quá gấp gáp, chắc chắn còn lọt, sót rất nhiều, nhiều nghị định quan trọng chưa kịp mổ xẻ”.
Theo ông Tuấn, sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế. Và hiện “cuộc đua” nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút. Vị đại diện này cũng lưu ý khả năng: Nói là loại bỏ, song thực chất chỉ là sự tổng hợp, lắp ghép và đưa tất cả các quy định tại nhiều thông tư khác nhau vào chung một nghị định. Đơn cử, trong quá trình rà soát của mình Bộ Công Thương đã tích hợp 23 thông tư vào trong một nghị định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để rà soát kỹ các điều kiện tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh...”.
Kể từ ngày 1.7.2016, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo Văn phòng Chính phủ, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực. Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý” tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh. |
Theo Dân Việt
Theo BaoThuaThienHue.vn