Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
“Ma trận” hóa chất tạo trầm
Ngày cập nhật 04/07/2016
TTH - Hóa chất tạo trầm cho cây dó không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được các hộ dân sử dụng nhan nhản. Việc “cấy” hóa chất không rõ nguồn gốc vào cây trầm có thể tiềm ẩn nguy cơ chết cây, ảnh hưởng đến người sử dụng sản phẩm từ trầm…

Không rõ nguồn gốc

Đến “thủ phủ” cây dó như Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), Thủy Xuân (TP. Huế), Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), người mua dễ dàng tìm được cho mình vài lít, thậm chí vài chục lít hóa chất tạo trầm cho cây dó. Các điểm bán loại hóa chất này thường từ các cơ sở bán giống cây, cơ sở lẩy trầm hay trong nhà người dân.

Dùng hóa chất tạo trầm cho cây dó

Anh L.V.B (xã Thủy Bằng), chủ một cơ sở cây giống, cho biết: “Hóa chất tạo trầm cho cây dó có 5-7 loại với đa dạng màu sắc khác nhau. Trong đó, chỉ duy nhất một loại có nhãn hiệu Lâm Viên (dạng chai) từ cơ sở sản xuất ở Hà Nội, còn lại đều không rõ nhãn mác, xuất xứ. Mỗi lít dù “thuốc Nam” hay “thuốc Bắc” đều có giá từ 300-350 nghìn đồng. Người bơm thuốc tạo trầm tùy thuộc vào kích thước cây, kinh nghiệm trồng của mình mà chọn mua thuốc, sử dụng liều lượng phù hợp”

Theo anh B., hóa chất tạo trầm ngoài loại thuốc có nhãn mác Lâm Viên, đặt mua trên mạng, “chồng” đủ tiền thì người bán mang về tận cơ sở; còn lại đều xuất xứ từ tỉnh Bình Định (thuốc Nam) và Hà Tĩnh (thuốc Bắc) đưa vào. Mỗi năm, cơ sở của anh B. bán từ 200-300 lít hóa chất tạo trầm các loại chủ yếu cho các cơ sở lẩy giác trầm hoặc từ người trồng cây dó có nhu cầu.

“Thuốc từ Bình Định ra thường có màu như dầu ăn hoặc xanh như xăng A92, không có mùi. Còn thuốc Hà Tĩnh đưa vào có màu vàng đậm như nước mắm và thơm mùi mật mía. Tuy nhiên, dù là loại gì thành phần cơ bản vẫn là a xít”, anh B, tiết lộ. Còn một loại hóa chất nữa mà dân địa phương gọi là “thuốc quét”. Từ cây dó, người trồng lột vỏ từ gốc lên hết thân cây, chỉ chừa một “đường gân vỏ” bề ngang 5 phân, kéo dài hết thân cây rồi dùng thuốc quết vào. Sau 1,5- 2 năm là khai thác trầm. Lớp bên ngoài bán trầm hương theo cân; lớp trong dùng để làm bột nhang trầm.

Tại một cơ sở lẩy giác trầm ở phường Thủy Xuân, chúng tôi được ông N.V.H. hướng dẫn cách khoan, “cấy” hóa chất tạo trầm. Ông H. cho biết: “Thuốc Nam hay Bắc thì cũng khoan một lỗ sâu từ 10-12cm trên cây, theo tỷ lệ lỗ cách lỗ 18-20 phân, hàng cách hàng 5 phân. Mỗi cây khoan từ 200-300 lổ. Bôi thuốc càng đều vào lổ khoan thì chất lượng trầm sau này càng đạt. Sau 1,5- 2 năm, trầm cho khai thác đạt 3,5-4 triệu đồng/kg; loại đẹp có thể 5-6 triệu đồng/kg”.

Loại hóa chất này không nhãn mác, bán trôi nổi trên thị trường

Ông H. có vườn dó hơn 1.000 cây. Hàng năm, ông còn “đấu trầm” mua hàng nghìn cây dó ươm để ăn chia với chủ vườn. Theo ông H., cơ sở của ông hàng năm tiêu thụ vài trăm lít các hóa chất tạo trầm. Đối với các loại hóa chất tạo trầm “mạnh” a xít, người cấy thuốc cần thận trọng, nhất là khi trời nắng, cây thiếu nước. “Gần hai năm trước, nhiều loại “thuốc Nam, Bắc” được dân tạo trầm ở Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình, mua về, cấy vô cứ bình quân 100 cây thì chết hết 80 cây. Dùng hóa chất tạo trầm theo kinh nghiệm nhưng cũng phải mua chỗ quen biết, biết cách dùng không thì… phá sản như chơi”, ông H. thận trọng cho hay.

Có độc hay không?

Anh Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng 8,5 ha cây dó, là loại cây mang lại giá trị kinh tế khá cao. Số diện tích cây có thể vô dầu khai thác tập trung chủ yếu ở những vườn cây từ 8-10 năm tuổi của các hộ dân. Những chủ vườn thường mua hóa chất từ các nơi về chứ trên địa bàn không có bán. Địa phương chỉ biết một số hộ dân có sử dụng chứ không biết là chất gì. Tuy nhiên, các thợ lẩy trầm thuê thường bị dị ứng ngứa lở ở tay hoặc phù mặt”.

Hóa chất tạo trầm được quết vào thân cây

TS. Đặng Thái Dương, Trưởng khoa Lâm nghiệp ĐHNL Huế cho rằng: “Nguyên lý tạo trầm khá phức tạp. Người trồng có thể sử dụng biện pháp sinh học, cơ giới và hóa học. Về cơ giới thì khoan, đục lỗ, tạo vết thương, gây tổn thương trên cây để cây tiết ra kháng thể tạo chất trầm. Biện pháp hóa học thì sử dụng các a xít, sau khi khoan bơm vào thân cây với nồng độ nhất định, mục đích các a xít làm chết các tế bào xung quanh lỗ đã khoan để đọng trầm lại (trầm cũng như chất tiết ra để chống lại các tổn thương cơ giới hoặc tổn thương hóa học). Còn biện pháp sinh học thì sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, giúp kích thích tạo trầm. Về nguyên lý, tất cả mọi cái tự nhiên đều tốt hơn. Nhưng muốn tạo trầm tự nhiên thì phải dựa vào khâu chọn giống, chọn dòng cho cây. Còn việc bơm hóa chất vào cây dó có độc cho người sử dụng hay không thì chưa khẳng định được, cần phải nghiên cứu thêm”.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV khẳng định: “Sắp đến, chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để kiểm tra các chất tạo trầm cho cây dó, nếu là loại được đăng ký thuốc BVTV thì xem có nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng theo quy định hay không? Đến nay, liên quan đến cây dó, theo tôi được biết vẫn chưa có trong danh mục thuốc BVTV được đăng ký sử dụng từ kích thích sinh trưởng cho đến hóa chất phòng trừ sâu bệnh. Về cơ bản, theo ghi nhận từ hình ảnh vẫn thấy các chất này bày bán không nhãn mác, không nơi xuất xứ nên không được sử dụng trong trồng trọt”.

"Đến nay, vẫn chưa có cá nhân hay đơn vị nào đưa chất tạo trầm tới để kiểm nghiệm nên trung tâm vẫn chưa biết đó là chất gì. Về cơ bản, chất tạo trầm có thể là hóa chất hoặc các chế phẩm vi sinh, sau khi khoan, bơm vào gây tổn thương cho cây để sinh ra kháng thể tạo trầm"

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN tỉnh) cho biết

Bài, ảnh: NG. KHÁNH

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 464
Chung nhan Tin Nhiem Mang