Tham gia thị trường mới nhất có VPBank, khi kể từ ngày 1/7, ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8 - 11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%. Tuy nhiên đây là khung lãi suất áp dụng cho đối tượng khách hàng gửi trên 10 tỷ đồng trở lên.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5% lên 5,1%, kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%. Các kỳ hạn từ 12, 24, 36 tháng trở lên được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 6,5%/năm.
Lãi suất huy động "rục rịch" tăng thêm
Trước đó, trong tháng 6, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất. Ví dụ như tại TPBank, với sản phẩm "Tiết kiệm tài lộc", ngoài các kỳ hạn 4 - 7 - 13 tháng, năm nay sản phẩm này đã có thêm các kỳ hạn dài 15 - 18 - 24 - 36 tháng với mức lãi suất cao hơn các kỳ hạn thường. Trong đó, mức lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn 4 tháng là 5,5% còn mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 8,4%.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng lãi suất tiền gửi với mức cao nhất lên tới 7,7%/năm, kể từ ngày 14/6. Theo đó, khi gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng này, người gửi tiền được hưởng lãi suất là 7,5%/năm và những khách hàng từ 39 tuổi trở lên tham gia chương trình tiết kiệm 39+ ưu việt được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng mức lãi suất 4,6%/năm nhưng nếu tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi tiền nhanh tay, nhận quà như ý” lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn thêm khoảng 0,1% - 0,2%/năm…
Không chỉ tăng lãi suất huy động cá nhân, dữ liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng cho thấy, lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng trở lại với biên độ từ 0,4-0,6% ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,65% lên mức 1,77%/năm. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,63% lên mức 1,99%/năm; kỳ hạn 2 tuần tang 0,41% lên mức 2,2%/năm.
Theo BVSC, việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua là diễn biến bình thường và không bất ngờ khi lãi suất trên thị trường này đã liên tục duy trì ở mức thấp trong 6 tuần trở lại đây. Ngoài ra, một yếu tố khác tác động đến đà tăng của lãi suất là hệ thống ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh tín dụng, khiến thanh khoản hệ thống nhiều khả năng không còn dồi dào như trước.
Tuy nhiên, tại hội thảo "Kinh tế 2016 - 2017, tự chủ vượt thử thách và đón đầu xu thế dịch chuyển kinh doanh" diễn ra chiều 19/6 tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển lo ngại, khi lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015. “Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Tuyển nhận xét.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Tuyển cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các FTA thế hệ mới, trong đó TPP và Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tập trung vào các cam kết của Việt Nam và các đối tác thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước hút ròng 0,3 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Thị trường OMO tiếp tục trầm lắng tuần thứ sáu liên tiếp khi không có hoạt động bơm/hút ròng nào qua kênh này.
Tuần qua, NHNN tiếp tục điều tiết cung cầu tiền Đồng trên thị trường thông qua việc phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn 7 ngày tuần thứ năm liên tiếp. Đã có 4.999,8 tỷ đồng tín phiếu được phát hành mới trong tuần, trong khi một lượng vốn tương đương (4.999,5 tỷ đồng) đến kỳ đáo hạn. Do vậy, thông qua kênh tín phiếu, NHNN chỉ hút ròng về 0,3 tỷ đồng từ thị trường.
|
Theo Dân trí
Theo BaoThuaThienHue.vn