Khu đô thị mới An Cựu City
Thách thức
Theo kết quả nghiên cứu đánh giá khả năng ngập và thoát lũ của TP. Huế có xét đến tác động của biến đổi khí hậu của dự án M-BRACE (Xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á), biến đổi khí hậu sẽ tăng mức độ ngập ở TP. Huế lên 31,8% vào năm 2050. Cụ thể, vào năm 2050, một số vùng có độ sâu ngập tăng như các phường: Phú Hội, Xuân Phú, Kim Long, Phú Thuận, Phú Hòa. Phần lớn các vùng có mức độ ngập tăng nằm trên hành lang thoát lũ các sông: Như Ý, Phổ Lợi, An Cựu, các khu đô thị cũ. Vì vậy, công tác quy hoạch đô thị nói chung và hạ tầng nói riêng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường khả năng thích ứng. Quy hoạch thiếu tính tổng thể và đồng bộ dẫn đến tình trạng giảm ngập khu này nhưng lại tăng khu khác, thậm chí diện tích ngập tăng
Nghiên cứu tình trạng dễ bị tổn thương vùng ven đô do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, ông Đặng Minh Nam, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế chỉ rõ, khu vực An Vân Dương là nơi dễ bị tổn thương do ngập lụt. Cụ thể, trong đợt lũ xảy ra tháng 9/2009, toàn bộ khu vực đô thị An Vân Dương, kéo dài đến các xã Phú Thượng, Phú Mỹ, Thủy Thanh ngập úng trong nhiều ngày. Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết, nguyên nhân gây ngập lụt vùng đô thị An Vân Dương còn được xác định là do san nền, giao thông, thoát nước chưa đồng bộ. Việc san nền ở đô thị mới An Cựu City, khu nhà thu nhập thấp Vicoland, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế…, với cao độ nền từ +2,2m đến +2,3m, làm gia tăng mức ngập và kéo dài thời gian ngập lụt ở các khu dân cư.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Giám đốc Công ty Ngô Viết Architects & Planners cũng chỉ rõ, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị An Vân Dương hiện tồn tại khá nhiều bất cập ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng của đô thị trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Khả năng khớp nối giữa các dự án cũ và mới chưa đồng bộ, quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý, làm gia tăng tình trạng ngập úng tại các khu dân cư đang chỉnh trang, các trục đường tái định cư và ở các khu đô thị mới.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Khu vực đô thị An Vân Dương có đặc điểm địa hình thấp trũng, nằm trên hướng thoát lũ chính của TP. Huế về phía Đông, thường xuyên chịu tác động của ngập lụt. Vì thế, việc xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết. Trong đó, cần xác định lại tần suất lũ tại khu vực thiết kế có tính đến yếu tố mới ảnh hưởng đến chế độ lũ trên sông Hương như: sự điều tiết của các hồ chứa nước trên thượng lưu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự thay đổi của chế độ mưa… Trên cơ sở đó, chọn cao độ khống chế cốt nền xây dựng phù hợp theo quy phạm và đảm bảo chống ngập lụt. Đồng thời, xác định phương án san nền đối với từng khu vực theo mục đích sử dụng đất, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế; khống chế về tĩnh không và khẩu độ của các cầu trên các tuyến đường khi cắt qua các sông không làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Hệ thống thoát nước mưa cần thống nhất giữa các khu vực và có tính toán đến các khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến các tuyến thoát nước mưa trong khu vực thiết kế; kết hợp giữa hệ thống mương và cống hồ điều hòa để tăng khả năng thoát nước, hạn chế tối đa việc xây dựng mặt phủ không thấm nước…
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong điều chỉnh quy hoạch, hạn chế xây dựng, song song với cải thiện thoát nước sẽ giảm thiểu và phân chia nguy cơ lũ lụt một cách đồng đều hơn. Đồng thời, cần tính toán lại giải pháp thoát nước mặt cho khu A phù hợp với hiện trạng dân cư và nhu cầu thoát nước mặt theo các kịch bản, đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao và đáp ứng mong muốn của người dân…
HOÀNG LOAN
Theo BaoThuaThienHue.vn