Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Hy vọng sẽ thêm nhiều dự án đầu tư vào Cố đô Huế
Ngày cập nhật 11/07/2016
TTH - Tại tọa đàm xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế vừa diễn ra hôm 2/7, sau khi tham quan, khảo sát thực địa và nghe giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước dự kiến sẽ đầu tư vào vùng đất cố đô những dự án như xử lý nước thải, xây dựng nhà máy đóng tàu, khách sạn…

Đầu tư những lĩnh vực Huế có lợi thế

Chủ tịch Tập đoàn Kaiokai Nhật Bản, ông Ishizuka Goro cho hay, Tập đoàn Kaiokai Nhật Bản có liên kết với hơn 250 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Nhật Bản. Phạm vi hoạt động của các DN khá rộng, ở hầu hết các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, thực phẩm chức năng, bánh kẹo… Song, lĩnh vực mà tập đoàn ông muốn giới thiệu với các nhà đầu tư Việt Nam và Thừa Thiên Huế là xử lý nước thải và xây dựng công trình nhà ở thích hợp với điều kiện, môi trường và con người Huế.

Tập đoàn Amata (Thái Lan) khảo sát, lựa chọn vị trí đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Trước khi đến Huế, Tập đoàn Kaiokai đã có nghiên cứu, đánh giá các chỉ số về nguồn nước ở Việt Nam. Theo Giám đốc Công ty ASTEC, một trong những DN thành viên thuộc Tập đoàn Kaiokai, chuyên về lĩnh vực xử lý nước thải thông tin, hệ thống nước thải trên địa bàn TP. Huế chưa được xử lý tốt. DN này tự tin rằng, nếu đầu tư nhà máy, sẽ giúp Huế xử lý tốt hơn nguồn nước thải và có thể biến nguồn nước này thành nước uống, sinh hoạt hàng ngày.

Để thuyết phục người xem, Giám đốc Công ty ASTEC đã đưa ra những bằng chứng, chứng minh đã xử lý, lọc nguồn nước nhiễm bẩn, nhiễm độc tại Sân bay quốc tế KASAL, chất cặn bã, bùn đất dưới các đập thủy điện, đáy của cảng Tokyo, chỉ trong vòng một ngày có thể sử dụng thành nước uống. Ông này cũng không quên kèm mong muốn được tạo điều kiện để đến Huế trong nay mai, nhằm thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải hoặc ít nhất là chuyển giao công nghệ cho Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (giữa) trao đổi với doanh nghiệp bên lề buổi tọa đàm

Bà Dương Ngọc Phượng, Chủ tịch Tổng hội thương mại Đài Loan đánh giá, Huế có nhiều vị trí phù hợp phát triển ngành công nghiệp may mặc. Lĩnh vực này được 10 nhà đầu tư trong đoàn quan tâm, sau khi có chuyến khảo sát một số khu công nghiệp của Thừa Thiên Huế. Dự kiến, sau hội nghị, các DN trong đoàn sẽ có các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành liên quan để nghiên cứu đầu tư.

Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc Hong Sun có thời gian dài làm việc tại Việt Nam nên vốn tiếng Việt khá sành. Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt, ông Hong Sun khẳng định, Thừa Thiên Huế là điểm đến tiếp theo của DN Hàn Quốc trong năm nay và các năm tiếp theo. Các DN Hàn Quốc chọn Thừa Thiên Huế, bởi tỉnh này có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và các dịch vụ về nông nghiệp. Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc đánh giá, những lĩnh vực vừa nêu có sự cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, nếu có đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Huế, việc đầu tư của DN nước này vào Huế sẽ thuận lợi hơn.

Mong chờ nhưng có chọn lựa

Ngay sau khi kết thúc buổi tọa đàm, từng nhóm các nhà đầu tư được chia theo lĩnh vực quan tâm có buổi gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi với nhau tại các phòng họp riêng về ý tưởng, dự án dự định sẽ đầu tư tại Huế trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về cơ hội đầu tư tại Huế

Một trong những dự án, ý tưởng được quan tâm là xây dựng nhà máy đóng tàu tại cảng Chân Mây của các DN đến từ Nhật Bản. Lý do trình bày ý tưởng này với lãnh đạo tỉnh là Thừa Thiên Huế có cảng nước sâu Chân Mây, ngành đánh bắt hải sản ở đây và khu vực miền Trung khá phát triển. “Ngành công nghiệp đóng tàu tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) nổi tiếng khắp thế giới. Chúng tôi có DN tốt nhất trong lĩnh vực này. Tuy thế, những kỹ sư, người có kinh nghiệm nhất hiện đã lớn tuổi và mong muốn được truyền nghề này cho các thế hệ sau. Chúng tôi chọn Huế để đầu tư và thực hiện mong muốn của các vị tiền bối trong ngành đóng tàu”, lãnh đạo Tập đoàn Kaiokai nói.

Tại phòng thảo luận khác, DN đến từ TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, khi trình bày mong muốn được thuê, mua một vị trí đẹp để mở văn phòng đầu tư dự án về giáo dục…

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu với DN về khu đất tại giao lộ Hà Nội-Nguyễn Tri Phương-Lý Thường Kiệt. Vị trí này theo ông Định khá phù hợp, khi nằm ở trung tâm khu vực phía Nam TP. Huế, có thể đầu tư khá nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì phát triển các dịch vụ về giáo dục. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tư vấn thêm những ngành nghề khác để DN nghiên cứu đầu tư, khi mô hình đầu tư về giáo dục tư nhân chưa phải là thế mạnh trên đất Huế.

Tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao thể hiện sự mến khách, cũng như chủ trương xuyên suốt trong kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên Huế là luôn rộng cửa chào đón, bằng những chủ trương, chính sách linh động nhất có thể. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, với vai trò đồng chủ trì tọa đàm khẳng định với các DN trong và ngoài nước trong phát biểu dẫn đề. Tuy thế, cũng có nhiều lĩnh vực đầu tư mà tỉnh cân nhắc, đó là các lĩnh vực  ít đem lại giá trị gia tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Qua đó, khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn hướng đến tăng trưởng xanh, các dự án vì mục tiêu này luôn là ưu tiên số một.

Buổi tọa đàm còn nghe nhiều ý kiến, gợi ý, gợi mở cho Huế và những dự định đầu tư của các hiệp hội DN, phòng thương mại và công nghiệp một số nước như Anh, Đức, châu Âu… Một trong những gợi mở về kêu gọi đầu tư cho Huế phát triển mô hình suối nước nóng, đào tạo lao động tay nghề cao phù hợp với các ngành công nghệ, cơ khí lắp ráp, chế tạo ô tô, điện tử, liên kết để mở rộng mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế…

Bài, ảnh: Tâm Huệ

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 690
Chung nhan Tin Nhiem Mang