(Ảnh minh hoạ)
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 19/7, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo, trong kỳ điều hành giá vào ngày hôm nay (20/7), giá xăng trong nước có cơ hội giảm mạnh 600 - 700 đồng/lít trong khi giá dầu có thể giữ nguyên do biến động không nhiều.
Một vị khác thì cho biết, hiện doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi khoảng trên dưới 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng và 300 đồng/lít với mặt hàng dầu. Nếu giữ nguyên các mức trích xả quỹ bình ổn và chính sách thuế phí, giá xăng có thể giảm mạnh về quanh ngưỡng 15.000 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành gần nhất vào hôm 5/7, sau khi trích lập và sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 giảm 200 đồng/lít xuống mức tối đa 15.698 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng giảm 200 đồng/lít xuống mức tối đa 15.447 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel và dầu hoả giữ ổn định lần lượt ở mức không cao hơn 12.298 đồng/lít và 10.667 đồng/lít, dầu mazut tăng 260 đồng/kg lên 9.001 đồng/kg.
Kể từ sau kỳ điều hành trước, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, có xu hướng sụt giảm mạnh. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính tới ngày 18/7, giá xăng RON92 nhập khẩu còn 51,22 USD/thùng, giảm hơn 2 USD/thùng so với hôm 5/7. Cũng kể từ hôm 5/7, giá nhập khẩu có thời điểm rớt xuống chỉ còn 47-48 USD/thùng.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm giá mạnh trong các phiên gần đây. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 18/7, giá dầu thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 8/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 71 cent, tương ứng 1,5%, xuống 45,24 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 65 cent, tương đương 1,4%, xuống 46,96 USD/thùng. Cả giá dầu Brent và WTI từ đầu tháng 7 đến nay đã giảm 11%.
Nguyên nhân của việc giảm giá mạnh này là do nguồn cung cấp nhiên liệu là dầu thô và sản phẩm lọc dầu lưu kho - kể cả xăng và diesel - tiếp tục đạt mức kỷ lục, bên cạnh đó là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này có xu hướng suy giảm.
Đánh giá về điều hành giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, trao đổi với Dân trí, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: "Có nhiều ý kiến về giá xăng, hiện độ vênh giữa giá trong nước với thế giới vẫn còn. Trong khi đó, các bộ phận cấu thành giá xăng, đặc biệt là cơ chế sử dụng quỹ bình ổn - lấy từ tiền của dân nhưng quản lý không có đại diện người dân - đang bị nhiều bên có ý kiến. Tôi đề nghị nên xem xét và thực hiện công khai minh bạch, giải trình rõ ràng về những vấn đề công luận đã nêu lên".
Trong khi đó, TS Ngô Trí Long thì bình luận: "Trong điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính “dở” một cái là, đáng lẽ nguyên tắc khi giá giảm thì mới thu quỹ và khi giá tăng không muốn tăng mới xả quỹ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đồng ý với điều này nhưng Bộ Tài chính lại điều hành kiểu lúc nào cũng tăng, lúc nào cũng xả để “hầu bao” đầy. Những lúc bình thường, Bộ Tài chính vẫn thu 300 đồng, xả 300 đồng. Nhưng khi góp ý thì Bộ Tài chính vẫn cho là hợp lý".
Theo ông Long, xoay quanh vấn quỹ bình ổn, cách sử dụng, nguồn hình thành quỹ cũng là vấn đề. Theo đó, nguồn hình thành đáng lẽ phải trích cả từ lợi nhuận của doanh nghiệp và vấn đề xả thu khi nào cũng phải xem xét để đảm bảo khả năng sinh lời của quỹ.
Về thuế bình quân gia quyền, ông Long đánh giá: "Xung quanh chuyện này có vấn đề là hiện nay cách tính của Bộ Tài chính theo bình quân gia quyền đúng hay không? Hiệp hội và doanh nghiệp phản đối khi cho rằng sai luật vì trong luật chỉ có 3 loại thuế: ưu đãi, ưu đãi đặc biệt và thông thường, giờ Bộ Tài chính lại đưa ra loại thuế thứ 4 là thuế bình quân gia quyền. Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là một loại thuế mà chỉ là một cách tính".
"Trong thực tế hiện nay giá xăng dầu là do nhà nước quyết định và để tính được giá xăng cơ sở thì phải tính được các yếu tố cấu thành. Hiện có nhiều hiệp định khác nhau nên có mức thuế khác nhau, không thể lấy một mức thuế để tính vì đây không phải tính giá cho một doanh nghiệp và là tính cho cả thị trường. Do đó, phải tính mức giá bình quân", ông Long nhấn mạnh.
Theo Dân trí
Theo BaoThuaThienHue.vn