Theo dự báo, những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân ngoài những yếu tố khách quan do sức tiêu thụ của thị trường chậm, thì những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách đã làm cản trở trong xuất, nhập khẩu của cả nước. Vậy giải pháp cho vấn đề nào cho vấn đề này?
Trong các ngành hàng xuất, nhập khẩu có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng lại bị vướng mắc nhiều về cơ chế chính sách, là: thủy sản và dệt may. Với ngành thủy sản, vướng mắc lớn nhất trong xuất, nhập khẩu là nguyên liệu và gia vị.
Việc cấm sản xuất quân trang, quân phục cho nước ngoài thông qua đấu thầu đã gây khó cho nhiều doanh nghiệp dệt may (Ảnh minh họa: Internet)
Theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng nguyên liệu và gia vị phải làm thủ tục công bố hợp quy vì liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi, những lô hàng nguyên liệu này, các doanh nghiệp nhập về phục vụ cho việc chế biến và sơ chế hàng thủy sản xuất khẩu, chứ không phải phục vụ thị trường nôi địa. Vì vậy, có những lô hàng nhập chỉ sử dụng 1 lần và đa số hạn sử dụng của các loại gia vị này có khi chỉ 3 tháng. Trong khi thời gian làm thủ tục công bố hợp quy mất từ nửa tháng đến 45 ngày. Điều này, làm rất mất thời gian và tốn thêm chi phí của doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam nói: "Có những lô gia vị chúng tôi nhập phục vụ cho 1 lô hàng xuất khẩu, nhưng chúng tôi phải tiến hành cái thủ tục công nhận hợp quy rất mất thời gian để đáp ứng các yêu cầu này."
Còn với ngành dệt may cũng gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng sẽ đạt mức xuất khẩu được 15 tỷ USD, nhưng chỉ đạt 12,7 tỷ USD. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất trong 11 năm qua. Các doanh nghiệp dệt may cho rằng, hiện có những quy định trong xuất, nhập khẩu còn rất nhiều vướng mắc.
Việt Nam đang khuyến khích phát triển và sử dụng nguồn liệu dệt, may trong nước, nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp mua nguyên liệu vải trong nước phải đóng 10% thuế VAT, còn nhập khẩu nguyên liệu vải thì không phải nộp thuế. Về quy định quản lý máy in họa tiết trên vải phải chịu sự quản lý chặt chẽ giống như đối với các phương tiện in ấn càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn, bởi phải xin phép cả Bộ Thông tin-Truyền thông.
Đáng nói là quy định trong thông tư 80 của Bộ Quốc phòng về việc cấm sản xuất quân trang, quân phục cho nước ngoài thông qua đấu thầu đã gây khó cho nhiều doanh nghiệp dệt may. Mỗi năm các doanh nghiệp dệt may mất nhiều đơn hàng trong lĩnh vực này, trị giá hơn 2 tỷ USD vì các khách hàng đã chuyển sang ký kết hợp đồng với Trung Quốc, Camphuchia ….
Cũng liên quan đến vấn đề sản xuất quân trang, quân phục, thông tư 49 của Bộ Công thương quy định đồ lót, hàng dệt kim mặc bên trong cũng phải được cấp phép. Các doanh nghiệp cho rằng điều này rất bất hợp lý.
Ông Vũ Đình Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: "Các nhà thương mại như Mỹ, Singapore, Châu Âu trúng thầu và đưa sang các nước khác sản xuất. Việc đó là việc của họ, tại sao chúng ta lại ngăn cản và bảo vệ họ. Chúng ta chỉ cấm xuất, nhập khẩu quân trang, quân phục của quân đội và cảnh sát Việt Nam là đúng chứ không nên bảo vệ quân trang quân phục nước ngoài".
Trước những bất cập này, trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp tại hội nghị xuất khẩu năm 2016 mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Công thương đã cam kết sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để có hướng giải quyết ngay cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương sẽ có văn bản có ý kiến chính thức với Chính phủ và các bộ ngành để các bộ ngành có hướng tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi hơn. Những vấn đề phức tạp hơn thì chúng tôi chủ động cùng các bộ ngành cùng nghiệp cứu để thống nhất về cách nhận định vấn đề để từ đó có hướng giải quyết.
Hy vọng rằng, với sự tích cực chủ động của Bộ Công thương cùng các bộ, ngành chức năng sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng được những thuận lợi của các hiệp định thương mại đang và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Theo VOV
Theo BaoThuaThienHue.vn