Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị trong các thương vụ Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với quy mô tỷ USD, việc đàm phán thành công TPP và hình thành Khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) của Việt Nam đã tạo ra một không gian kinh tế mở. Một cuộc đua mới thực sự đã bắt đầu của M&A tại Việt Nam.
Xác lập mốc kỷ lục mới
Theo Nhóm nghiên cứu MAF (bao gồm những chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, VNU và một số tổ chức tư vấn M&A tại Việt Nam), số lượng các giao dịch và giá trị thương vụ M&A được ghi nhận trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục trong năm 2015. Khối lượng các thương vụ M&A trên toàn thế giới đã tăng 4%, từ con số 31.963 trong năm 2014 tăng lên 33.365 thương vụ vào năm 2015.
Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo cơ hội cho cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, hoạt động M&A năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam. Với đà tăng tốc của M&A, nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD đồng thời xác lập một mốc mới.
Đạt được những con số ấn tượng trên, ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà nổi bật là Thái Lan, Singapore và Nhật Bản. Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc kỳ vọng Việt Nam gia nhập TPP và thành viên của AEC cũng là một yếu tố quan trọng. Đặc biệt, cuối năm 2015 và đầu 2016 là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật lệ liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, môi trường vĩ mô ổn định đã tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A.
Hình thành 6 xu hướng
Từ những bứt phá trong M&A, MAF nhận định thị trường M&A đã xuất hiện 6 xu hướng chính. Cụ thể, ở lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng xuất hiện những thương vụ tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân như thương vụ Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD; Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không được tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn, đây cũng là một thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác đó là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery… Các khối ngoại chiếm ưu thế trên thị trường với các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore và Nhật Bản, trong đó đáng chú ý là xu hướng các tập đoàn quốc tế mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư.
Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và các tổ chức trung gian đang đóng vai trò là xúc tác cho các thương vụ. Điển hình như thương vụ mua lại của Domesco năm 2014 và mới đây, công bố thương vụ Công ty Taisho của Nhật Bản mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang. Các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao có thể là những đối tượng cho các thương vụ M&A lớn trong tương lai như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Traphaco…
Đặc biệt, xu hướng khởi nghiệp được xác định là tiềm năng cho các thương vụ M&A. Bởi lẽ, chưa năm nào hai từ “Khởi nghiệp” và “Start-Up” được nhắc đến nhiều như năm 2015 và nửa đầu năm 2016 tại Việt Nam. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, số lượng các doanh nghiệp Start-up được đầu tư cũng tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015. Bên cạnh đó, các thương vụ liên quan đến tài chính ngân hàng, cổ phần hóa, bất động sản đang là xu hướng hứa hẹn những thương vụ M&A lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh những xu hướng mới, việc Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP và là thành viên của AEC đã tạo ra một không gian kinh tế mở, tạo đà cho một cuộc đua mới thực sự đã bắt đầu của hoạt động M&A. Theo đó, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng bao gồm hạ tầng cảng biển và hàng không, vật liệu có thể sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Những thương vụ lớn sẽ tiếp tục lộ diện dần trong những năm tới, không chỉ ở bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng mà mở rộng ra viễn thông, cơ sở hạ tầng - năng lượng và công nghiệp - vật liệu. Thị trường có thể trông đợi các thương vụ phát hành riêng lẻ để chọn đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, những thương vụ chuyển nhượng liên quan đến các dự án đầu tư nước ngoài có thể sẽ đóng góp nhiều hơn vào bức tranh M&A tại Việt Nam.
Theo VOV
Theo BaoThuaThienHue.vn