Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Vinh Xuân mong chờ nước sạch
Ngày cập nhật 25/07/2016
TTH - Được bao bọc giữa phá và biển, chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm ở Vinh Xuân (Phú Vang) đang có nguy cơ suy giảm cả về chất và lượng do ảnh hưởng từ nuôi trồng thủy, hải sản, sản xuất nông nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác. Hơn lúc nào hết, hơn 90% hộ dân trong xã đang rất trông chờ được dùng nguồn nước sạch hợp chuẩn từ hệ thống nước máy.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, anh Đỗ Văn Long, cán bộ địa chính xã Vinh Xuân trò chuyện: “Nếu hỏi người dân Vinh Xuân mong gì nhất thì chắc chắn họ đều trả lời là muốn có nước sạch”.

Người dân Vinh Xuân chưa yên tâm khi dùng nước giếng bơm để sinh hoạt

Xã Vinh Xuân có 6 thôn với hơn 8.800 dân/1.913 hộ. Hiện nay, chỉ mới duy nhất thôn Xuân Thiên Hạ có 70% hộ dân có nước máy nhờ “bắt ké” từ xã Vinh Thanh. Số còn lại, để có nguồn nước sử dụng, hầu hết đều phải khoan giếng hoặc xây bể, bồn hứng nước mưa. Anh Lời, một người dân ở Vinh Xuân nói: “Nhà tôi dùng nước giếng khoan bơm tay từ mấy chục năm nay. Khoảng vài năm trở lại đây, nước bị đục vàng, nhiễm phèn, nhiễm mặn. Muốn uống được phải cho qua bể lắng, bể lọc”.

Chị Tôn Thị Tụy, ở thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân tâm sự, gia đình chị dùng nước giếng khoan từ xưa đến nay nên đã quen mùi. Nhưng với người lạ đến chơi hay trẻ con thì rất khó uống. Nhà có cháu nhỏ, muốn pha sữa, nấu cháo hay nấu cơm, canh cho cả nhà ăn đều phải mua nước đóng bịch để dùng.

Không riêng nhà chị Tụy, hầu như nhà nào ở Vinh Xuân đều mua nước đóng bịch loại 20 lít để dùng hằng ngày. Nhiều người băn khoăn, mua một bịch nước 20 lít mất mười mấy ngàn đồng và chỉ dùng tiết kiệm được vài ngày, nhưng không biết chất lượng nước có đảm bảo độ tin cậy như trên nhãn mác quảng cáo hay không?

Xoay quanh câu chuyện hơn 90% người dân ở Vinh Xuân đang dùng nước giếng khoan, nước sông, đầm để sinh hoạt hằng ngày, một cán bộ ở địa phương chia sẻ: “Nghe báo cáo công bố của Bộ Y tế năm 2014, phần lớn trong số những người mắc bệnh ung thư được phát hiện có nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước mà chúng tôi cảm thấy lo lắng, chỉ mong sao sớm có được nước máy để dùng, vừa tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn”. Xét về mặt môi trường, nếu nhà nào cũng khoan giếng và dùng mãi nguồn nước này thì nguy cơ suy giảm và ô nhiễm nguồn nước ngầm chắc chắn sẽ xảy ra. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi đối với một xã thuần nông như Vinh Xuân.

Mấy năm nay, Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng công trình đường ống đưa nước sạch về một số xã ven phá và ven biển của huyện Phú Vang. Mặc dù người dân 2 xã lân cận là Vinh Thanh và Phú Diên (huyện Phú Vang) đều đã có nước máy, nhưng xã Vinh Xuân đến nay vẫn chưa có đường ống nước dẫn về.

Anh Trương Công Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết, hầu như tại các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, vấn đề này luôn được bà con cũng như lãnh đạo địa phương kiến nghị. Năm 2015, địa phương đã gửi công văn đến Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế xin lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước sạch. Công ty trả lời, dự kiến sẽ triển khai thi công trong giai đoạn 2015- 2016. Thế nhưng đến nay, đã qua hơn nửa năm 2016 và gần chuyển sang mùa mưa vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Trao đổi về vấn đề này, anh Trương Công Hân, Phó Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế giải thích, sở dĩ đơn vị chưa triển khai thi công theo kế hoạch là do nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giải ngân chậm. Đầu năm 2017, đơn vị sẽ thi công lắp đặt khoảng 21km đường ống trên địa bàn xã Vinh Xuân để cấp nước sạch cho người dân.

HOÀI THƯƠNG

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 661
Chung nhan Tin Nhiem Mang