Thắng ngay vụ đầu
Hương Trà triển khai CĐML từ vụ đông xuân 2013-2014, trên diện tích 25 ha với sự tham gia của 129 hộ dân xã Hương Vinh. Kết quả, vụ đó thắng lớn, nhờ toàn bộ diện tích trồng giống lúa chất lượng cao Bắc thơm 7 không chỉ cho năng suất cao mà giá bán ra thị trường cũng đạt kỷ lục. Ông Lê Khắc Thuận, thôn Triều Đông, một nông dân tham gia CĐML ở Hương Vinh vui vẻ: “Gia đình tôi có 3/15 sào nằm trong mô hình CĐML của xã. Từ khi tham gia, ngoài được hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến, nông dân còn được Công ty Giống cây trồng tỉnh hỗ trợ lúa giống, nhờ đó, việc canh tác cũng như quản lý dễ dàng, thuận tiện”.
Cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất
Tuy nhiên, các vụ tiếp theo, do không liên kết được với DN trong bao tiêu sản phẩm, nên nông dân “mạnh ai nấy bán” cho tư thương. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Vinh Đỗ Khoa cho rằng: “Bà con trồng lúa chất lượng cao nhưng DN (Công ty Lương thực tỉnh) mua cao hơn giá lúa thường chỉ 500 đồng/kg. Trong khi giá thị trường cao hơn 1.500 đồng/kg. Vì vậy, nông dân trữ lúa để bán từ từ. Chính vì không có sự “gặp nhau” về giá giữa nông dân và DN nên mô hình CĐML dần bế tắc và phải... giải tán (2015).
Xã Hương Toàn triển khai CĐML từ vụ đông xuân 2015-2016 trên diện tích 30ha cũng cho kết quả ngoài mong đợi. Chủ tịch UBND xã Hương Toàn Nguyễn Văn Tho chia sẻ: “Trước khi nhân rộng, chúng tôi cho trồng thử nghiệm 1ha giống lúa NA2 tại 2 HTX. Đồng thời, đi tham quan và học tập cách làm của miền Nam: hợp đồng chặt chẽ với đơn vị thu mua, hỗ trợ toàn bộ giống và trồng giống lúa theo thỏa thuận; chỉ gieo sạ 3kg/sào thay vì 5-6 kg lúa giống theo cách thông thường. Xã còn yêu cầu DN (Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh) cam kết đến tận nhà dân (gần 100 hộ) thu mua toàn bộ. “Thuận mua vừa bán” lại thấy hiệu quả nên vụ đông-xuân tới, dù không còn hỗ trợ lúa giống, người dân vẫn đồng ý tiếp tục triển khai và mở rộng diện tích lên 100 ha, ông Tho thông tin thêm.
Khó đầu ra
Thành quả bước đầu của mô hình CĐML ở 2 địa phương, theo đánh giá của các HTX là chi phí sản xuất giảm hơn 20% so với canh tác nông hộ nhỏ lẻ. Hơn 200 hộ nông dân tham gia CĐML thu được hiệu quả tốt. “Bài toán” cải thiện thu nhập cho người trồng lúa đã có lời giải thỏa đáng.
Tuy nhiên, nỗi lo tiếp theo sau CĐML là việc phối kết hợp giữa nông dân với DN về đầu ra còn lỏng lẻo. Ông Đỗ Khoa bộc bạch: CĐML thất bại vì mới có sự liên kết của 3 nhà: Nhà nước-nhà nông và nhà khoa học. Sự hợp tác giữa DN và nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm chưa có, gây khó khăn trong xây dựng CĐML ở địa phương.
Đề cập đến nguyên nhân CĐML chưa “lớn” đã “tan” ở Hương Vinh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà Lê Văn Anh cho rằng, không phải do giá cả mà do sự phối hợp của HTX với DN chưa đồng bộ. Ở đây, năng lực BQL HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm hướng bắt tay với DN.
Vừa qua, lãnh đạo thị xã Hương Trà về làm việc với HTX Hương Vinh, thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức CĐML trong vụ tới, đồng thời, kêu gọi Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh tham gia thu mua để đảm bảo “đầu ra” cho hạt lúa. “Thị xã khuyến khích và tạo mọi điều kiện (đầu tư hạ tầng, con người...) cho các HTX tổ chức CĐML. Thế nhưng, hiện Hương Trà chưa triển khai mạnh CĐML được do chưa có DN thu mua sản phẩm lớn liên kết với các HTX. Trong khi ngành nông nghiệp không thể bắt buộc DN mua lúa cho nông dân, ông Lê Văn Anh cho hay.
Kế hoạch phát triển CĐML gắn với lúa chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 của thị xã, Hương Trà quy hoạch ổn định ở 2.000 ha; tập trung cho các xã có thế mạnh nông nghiệp như: Hương Phong, Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Chữ, Hương An. |
Liên Minh
Theo BaoThuaThienHue.vn