Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Hỗ trợ nghề rèn truyền thống
Ngày cập nhật 03/10/2016
TTH - Những năm gần đây, thông qua nguồn vốn khuyến công (KC), nhiều cơ sở rèn được hỗ trợ thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng, hướng đến sản xuất các sản phẩm rèn mỹ nghệ nhằm khôi phục và phát triển nghề rèn truyền thống.

Máy đập búa rèn do nguồn vốn KC hỗ trợ 50% kinh phí góp phần giảm sức người và chất đốt cho cơ sở rèn Huỳnh Văn Sơn

Khó cạnh tranh

Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) thành lập Cơ sở rèn Trường Tiến ngay trên mảnh đất quê hương. Lúc đầu, do sản xuất chủ yếu dựa vào sức người, sản phẩm chủ yếu là nông cụ như dao, rựa, búa, xẻng, cuốc nên thị trường tiêu thụ chỉ quanh quẩn trong làng. Năm 2010, trước sự phát triển ồ ạt của nhiều sản phẩm dân dụng như dao, cuốc, xẻng từ Thái Lan, Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá thấp nên sản phẩm rèn trên địa bàn khó cạnh tranh. Trước nguy cơ bỏ nghề vì không tìm được đầu ra, cơ sở quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng trang bị các loại máy như máy búa dập, cán thép, khoan, máy cắt phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên sản phẩm chất lượng chưa đồng đều, sức tiêu thụ thấp.

Nam Đông là huyện miền núi nên có diện tích rừng khá lớn, các sản phẩm rèn, như dao cạo mủ cao su, rựa đi rừng, cúp trồng keo hay các loại cuốc, xẻng, rìu và dao bán khá chạy. Không chỉ cung cấp cho người dân địa phương, sản phẩm rèn của Nam Đông còn cung ứng cho các tỉnh, TP khác, như Đắc Lắk, Quảng Nam, Nghệ An… Chủ cơ sở rèn Huỳnh Văn Sơn ở xã Hương Hòa (Nam Đông) cho biết: “Lâu nay nghè rèn chủ yếu dựa vào sức người, bởi các thiết bị sản xuất có kinh phí lớn, mà cơ sở quy mô nhỏ không đủ vốn để trang bị nên nhiều lúc khách đặt hàng số lượng lớn không dám nhận. Muốn sản xuất ra sản phẩm đẹp, chất lượng và số lượng lớn các cơ sở rất cần được hỗ trợ máy móc và thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất”.

Tăng năng suất, tăng chất lượng

Ngày 22/9/2016, UBND tỉnh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế cho 4 nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, người đã gắn bó trên 30 năm với nghề rèn truyền thống. Đây không chỉ là vinh dự lớn đối với nghệ nhân, mà còn là động lực thúc đẩy những người thợ rèn trên địa bàn tiếp tục nỗ lực để bảo tồn và phát triển nghề.

Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh về khôi phục và phát triển nghề rèn truyền thống, những năm gần đây, đề án KC đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở rèn nhằm giúp các cơ sở chuyển dần từ sản xuất thủ công sang máy móc, tạo ra các sản phẩm tinh xảo, hạ giá thành đáp ứng nhu cầu thị trường. Tháng 8/2016, Sở Công thương đã phê duyệt đề án KC hỗ trợ máy dập trục khuỷu cho Cơ sở rèn Trường Tiến. Thiết bị có tổng kinh phí 128 triệu đồng, trong đó vốn KC hỗ trợ 60 triệu đồng. “Sau khi đưa máy dập trục khuỷu vào vận hành, cơ sở giảm được tiếng ồn, năng suất cao hơn dập thủ công từ 5-7 lần, đồng thời sản phẩm đẹp và đều hơn trước. Cơ sở đang lên kế hoạch sản xuất các sản phẩm rèn mỹ nghệ; các loại hoa văn, dao, kệ kích thước nhỏ, gọn vừa có giá trị sử dụng, vừa trưng bày. Mặt khác, cơ sở sẽ hoàn tất các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu, đưa sản phẩm rèn truyền thống tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu rèn “made in Huế” đến với du khách”, chủ cơ sở rèn Trường Tiến - Huỳnh Thế Tiến cho biết.

Chủ cơ sở rèn Huỳnh Văn Sơn phấn khởi: “Từ khi đưa máy đập búa rèn do nguồn vốn KC hỗ trợ 50% kinh phí, năng suất tăng gấp 3 lần so với làm thủ công, trong khi lượng than đốt tiết kiệm khá nhiều do máy đập nhanh và liên tục; chất lượng các sản phẩm rèn tốt hơn, tiêu thụ dễ hơn so với trước. Hiện, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 50 sản phẩm các loại và đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước”. 

Bài, ảnh: Thanh Hương

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 309
Chung nhan Tin Nhiem Mang