Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 2/10 – 9/10/2016)
Ngày cập nhật 11/10/2016

Quy định một số mức chi cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện; Mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm sẽ có 2 đợt; Gần 83 tỷ đồng đầu tư Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã; Công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch; Ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 2/10 – 9/10/2016).

Quy định một số mức chi cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 68/2016/QĐ-UBND về việc quy định một số mức chi cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Theo đó, chi khoán công tác phí theo đợt điều tra, thống kê số người mù chữ trong độ tuổi 15-60; tình hình phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho người tham gia thu thập số liệu điều tra đối với đợt tổng điều tra do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định có thời gian điều tra từ 10 ngày trở lên là 150.000 đồng/người/đợt điều tra; đối với đợt điều tra hàng năm để cập nhật, bổ sung dữ liệu do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố quyết định, có thời gian từ 10 đến dưới 15 ngày là 120.000 đồng/người/đợt điều tra.

Đối với các lớp xoá mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, lớp phổ cập giáo dục tiểu học sẽ hỗ trợ 05 tập vở học sinh (loại 96 trang, giấy trắng)/học viên/năm học; 01 bộ tài liệu học tập theo quy định/học viên/01 lớp/năm học.Đối với các lớp phổ cập trung học cơ sở, hỗ trợ 16 tập vở học sinh (loại 96 trang, giấy trắng)/học viên/năm học.

Chi thắp sáng đối với lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục ban đêm (theo thực tế thời gian thực học) là 60.000 đồng/lớp/tháng. Chi 100.000 đồng/người/năm học cho việc mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, giấy bút, phấn, văn phòng phẩm cho 01 giáo viên hoàn thành 01 môn ở cùng khối lớp xoá mù chữ, phổ cập giáo dục.

Chi phụ cấp cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (kể cả hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và những người trong thời gian thử việc) tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được phân công làm công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì phát triển kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đối với huyện A Lưới  hệ số 0,2 x mức lương cơ sở/người/tháng; đối với huyện Nam Đông  hệ số 0,16 x mức lương cơ sở/người/tháng; các huyện, thị xã còn lại  hệ số 0,14 x mức lương cơ sở/người/tháng; thành phố Huế  hệ số 0,1 x mức lương cơ sở/người/tháng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2016 thay thế Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của UBND tỉnh.

 

Quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện

Ngày 04/10, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 69/2016/QĐ-UBND  về việc ban hành chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện (sau đây gọi là UBMTTQ Việt Nam các cấp).

Quyết định này áp dụng cho các cá nhân, đoàn đại biểu đến thăm và làm việc với UBMTTQ các cấp hoặc được UBMTTQ các cấp đến thăm hỏi, chúc mừng, gồm: các vị lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang; các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các nhân sỹ, trí thức tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu có quan hệ mật thiết và đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đoàn đại diện lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang; các đoàn đại diện các dân tộc thiểu số, các tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; các đoàn đại diện người Việt Nam ở nước ngoài có quan hệ mật thiết và đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Quyết định quy định rõ mức chi cụ thể như sau: chi 500.000 đồng/1 đại biểu đối với cấp tỉnh; 300.000 đồng/1 đại biểu đối với cấp huyện khi chi tặng quà lưu niệm nhân dịp đón các đoàn đại biểu và cá nhân đến thăm và làm việc với cơ quanUBMTTQ Việt Nam các cấp.Chi 500.000 đồng/1 lần đối với cấp tỉnh; 300.000 đồng/1 lần đối với cấp huyện khi chi tặng quà chúc mừng ngày Tết nguyên đán, ngày lễ hoặc ngày lễ trọng (ngày lễ kỷ niệm trọng thể nhất của từng dân tộc, tổ chức tôn giáo) đối với các vị lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các chức sắc, chức việc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức tiêu biểu, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Việc tặng quà chúc mừng ngày Tết nguyên đán, ngày lễ hoặc ngày lễ trọng không quá 2 lần/1 năm. UBMTTQ Việt Nam các cấp tự quyết định việc chọn ngày lễ nào để tặng quà chúc mừng cho phù hợp với đặc thù của từng đối tượng.

Đối với các vị lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các chức sắc, chức việc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức tiêu biểu, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thì có mức chi thăm hỏi khi bị ốm đau không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện. Mức chi phúng viếng khi qua đời là 1.000.000 đồng/người đối với cấp tỉnh; 500.000 đồng/người đối với cấp huyện.Mức chi hỗ trợ khi gia đình gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn) là 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cấp tỉnh; 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cấp huyện.

Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2017 thay thế Quyết định số  34/2010/QĐ-UBND ngày 06/9/2010 của UBND tỉnh.

 

Mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm sẽ có 2 đợt

UBND tỉnh vừa có Quyết định Ban hành Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2016.

Theo đó, Quy chế này quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bao gồm: Danh mục tài sản mua sắm tập trung theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh công bố danh mục mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Tài sản khác do UBND tỉnh quy định thuộc danh mục mua sắm tập trung. Trường hợp nhu cầu mua sắm cấp thiết để phục vụ công tác mà không thể chờ mua sắm tập trung thì phải được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản.

Việc mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm phân thành 2 đợt. Trong đó đợt 1 là tháng 4 hàng năm; đợt 2 là tháng 10 hàng năm. Căn cứ thông báo dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao đơn vị sử dụng tài sản có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên để tổng hợp gửi Tổ mua sắm tập trung của tỉnh (Sở Tài chính) trước ngày 28/02 đối với đợt 1 và trước 31/8 đối với đợt 2 hàng năm.

UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh gồm đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan: Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành có liên quan do đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm Tổ trưởng. Đồng thời giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ mua sắm tập trung cấp tỉnh theo quy định hiện hành. 

Tổ mua sắm tập trung thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện theo phương thức ký thỏa thuận khung.

Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm, lập dự toán mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.

Trường hợp mua sắm tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp thì áp dụng theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp.

 

Gần 83 tỷ đồng đầu tư Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2353/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư là 82.731 triệu đồng.

Dự án nhằm mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang khu vực thị trấn, giảm ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội.

Theo đó, Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã có điểm đầu giao Quốc lộ 1A tại Km865+540, điểm cuối kết thúc tại cổng vào vườn quốc gia Bạch Mã. Tổng chiều dài tuyến 2.578,3m.  Đoạn từ Km0+0,00 – Km1+359,83: có mặt cắt ngang đường là Bn=4,5m+15m+4,5m=24m (Thiết kế vỉa hè, bố trí thoát nước dọc, cây xanh và điện chiếu sáng). Đoạn từ Km1+359,83 – Km2+578,3 có mặt cắt ngang đường là Bn=1,0m+7,0m+1,0m=9,0m.

Dự án do Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 05 năm kể từ ngày khởi công.

 

Công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2236/QĐ-UBND về việc công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, Lữ hành có 10 thủ tục gồm: (1) Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (2) Sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (3) Cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp: (a) Thay đổi tên gọi hoặc thay đổi nơi đăng ký thành lập của doanh nghiệp du lịch nước ngoài từ một nước sang một nước khác; (b) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của văn phòng đại diện đến một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; (c) Thay đổi nội dung hoạt động của doanh nghiệp du lịch nước ngoài; (d) Thay đổi địa điểm của doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong phạm vi nước nơi doanh nghiệp thành lập; (4) Cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp giấy phép thành lập văn phòng đại diện bị mất, bị rách nát hoặc bị tiêu hủy; (5) Gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (6) Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; (7) Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; (8) Đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; (9) Cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch; (10) Cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên du lịch.

Dịch vụ du lịch – Khách sạn có 07 thủ tục gồm: (1) Cấp biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch; (2) Cấp biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch; (3) Cấp lại biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch; (4) Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao cho khách sạn, làng du lịch; (5) Thẩm định lại, xếp hạng lại hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao cho khách sạn, làng du lịch; (6) Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng đạt tiểu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác; (7) Thẩm định lại, xếp hạng lại hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng đạt tiểu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; bãi bỏ các thủ tục hành chính trên lĩnh vực du lịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 1440/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 và Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 25/4/2014.

 

 

Ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2016, thay thế Quyết định số 4260/2005/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý khai thác thủy sản đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quy chế này quy định về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó nêu rõ, Nhà nước khuyến khích việc quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng. Các cá nhân, hộ gia đình tham gia khai thác thuỷ sản đầm phá tập hợp trong các tổ chức ngư dân cấp cơ sở thôn, tổ; hoặc liên thôn, tổ, xã, thị trấn… Nhà nước giao một số hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác thuỷ sản đầm phá, mang tính nội bộ cộng đồng cho tổ chức ngư dân cấp cơ sở.

Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm cấm việc tự do phát triển khai thác thuỷ sản đầm phá và các hành vi gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn lợi thủy sản hoặc môi trường sống của chúng. Bố trí các ngư cụ khai thác thuỷ sản đầm phá phải tránh các Khu Bảo vệ thủy sản, vùng lõi Khu Bảo tồn đất ngập nước, các luồng tuyến giao thông đường thuỷ nội địa đã quy định, bao gồm cả hành lang bảo vệ luồng, các khu neo đậu, quay trở tàu thuyền…

Chi cục Thủy sản cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản cho các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trên đầm phá. Khai thác thủy sản bằng tàu thuyền trọng tải dưới 0,5 tấn và khai thác thủy sản không sử dụng ghe thuyền không cần phải xin phép.

Ngư dân sử dụng các ngư cụ cố định chỉ được bố trí đánh bắt trên vùng nước của địa phương mình được cấp phép và phải dành hành lang cho các loài thuỷ sản di chuyển theo quy hoạch được duyệt. Ngư dân sử dụng ngư cụ di động có thể khai thác các vùng mặt nước liền kề nhưng không làm ảnh hưởng đến các ngư cụ cố định của tổ chức, cá nhân được cấp phép.

Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho các Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý tàu thuyền khai thác thuỷ sản đầm phá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc tàu thuyền có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa (CV). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý ghe thuyền thủy sản cho cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Các loại tàu thuyền khai thác thuỷ sản có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất từ 20 CV trở lên, theo quy định của Trung ương phải kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, chỉ được đăng ký khi sử dụng các nghề khai thác hợp pháp, kết hợp sử dụng mục đích công: phòng chống bão lụt, tuần tra cộng đồng của Chi hội Nghề cá cấp cơ sở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản đăng ký, đăng kiểm theo quy định pháp luật thống nhất từ Trung ương. Các loại tàu thuyền được sử dụng làm phương tiện giao thông vận tải trong đầm phá không thuộc quy định này, được thực hiện theo các quy định pháp luật của giao thông đường thủy nội địa.

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 664
Chung nhan Tin Nhiem Mang