Kính thưa Chủ tọa phiên họp!
Kính thưa Quốc hội!
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, Chính phủ đã nhìn nhận một cách thẳng thắn những bất cập, hạn chế trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016. Cử tri và Quốc hội mong muốn kỳ vọng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, kiên trì để những gạch đầu dòng về hạn chế, bất cập, chủ quan trong điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện mỗi năm được giảm dần trong các báo cáo của Chính phủ. Tôi xin trao đổi, tham gia một số nội dung cụ thể.
Một, liên quan đến công tác khắc phục sự cố môi trường biển, chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ đã tập trung chỉ đạo để xác định các đối tượng và định mức bồi thường.
Về triển khai kế hoạch bồi thường trước các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, từ ngày 26/10 các địa phương của Thừa Thiên Huế đã tập trung chi trả cho những đối tượng theo định mức của Chính phủ với phương châm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, giám sát chặt chẽ việc chi trả. Quá trình chi trả đảm bảo trật tự an toàn, các kiến nghị, đề xuất của bà con được cấp chính quyền ghi nhận và giải thích cụ thể. Qua rút kinh nghiệm đợt 1, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chuyển 50% giá trị còn lại chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng số tiền bồi thường đến với bà con sớm nhất, trong hoàn cảnh miền Trung bị mưa lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực. Công tác kê khai, thống kê thiệt hại để bồi thường cho sự cố môi trường biển được thực hiện ở diện rộng, nhiều đối tượng trong thời gian ngắn nên còn chưa đầy đủ. Thêm vào đó do đặc điểm địa hình, tập quán đánh bắt nuôi trồng nên mỗi địa phương đều có những đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng chưa thuộc 7 nhóm đối tượng do Chính phủ quy định. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các đối tượng chưa được xếp loại, các đối tượng đặc thù của địa phương như đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch, ven biển, kho đông lạnh, đánh bắt nuôi trồng hải sản khu vực Đầm Phá để đảm bảo mục tiêu các đối tượng bị ảnh hưởng thực sự được bồi thường, hỗ trợ kịp thời.
Về khắc phục, phục hồi môi trường biển, mặc dù theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay môi trường biển khu vực 4 tỉnh đã được cải thiện, phục hồi do cơ chế tự nhiên. Tuy nhiên vẫn còn 3 điểm tại 3 địa phương cần được tiếp tục theo dõi. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan trắc và sớm áp dụng các giải pháp xử lý môi trường cụ thể để chúng ta sớm khẳng định biển sạch, hải sản đã sạch trên toàn bộ khu vực biển miền Trung, đó mới là kế sách lâu dài cho phát triển bền vững tại khu vực này. Đề nghị Chính phủ trong cân đối nguồn lực cần ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó đầu tư cho công tác cảnh báo, giám sát, kiểm định môi trường, tạo điều kiện cho công tác dự báo, kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm kịp thời, khoa học, pháp lý cao, giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương có hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ hai, về tái cơ cấu kinh tế, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế được đặt ra từ nhiệm kỳ trước, tuy nhiên ba nhiệm vụ tái cơ cấu trọng tâm còn bất cập, mô hình tăng trưởng chưa được cụ thể hóa đối với các lĩnh vực kinh tế quan trọng được tập trung tái cơ cấu. Xác định tái cơ cấu không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, việc phân bổ nguồn lực phục vụ tái cơ cấu phải được lồng ghép thể hiện quan điểm, danh mục đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tái cơ cấu cần được thực hiện trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo phát triển trước mắt cũng như lâu dài, khai thác lợi thế cạnh tranh, tạo sản phẩm chiến lược quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế khi tham gia FTA, TPP.
Thứ ba, liên quan tới cải cách hành chính, với tinh thần kiến tạo, hành động phục vụ, Chính phủ đã tập trung những nỗ lực trong đổi mới, phương thức hoạt động tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công của các cấp chính quyền. Để cải cách hành chính đi vào thực chất hướng tới mục tiêu, giảm thiểu thời gian, giấy tờ, chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, tham gia giám sát chính quyền mọi lúc, mọi nơi. Ngoài những giải pháp đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo, đề nghị năm 2017, Chính phủ phải tập trung các nội dung sau:
Tập trung rà soát xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp nhằm nâng cao tính pháp lý của văn bản, giấy tờ điện tử trong quá trình giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước gắn với đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong mối quan hệ tương quan chúng ta vừa sử dụng song song đồng thời văn bản giấy và văn bản điện tử. Thực tế văn bản điện tử còn hạn chế sử dụng, trong giao dịch hành chính, trong giao dịch dân sự, trong hồ sơ thanh quyết toán, trong lưu trữ, trong luân chuyển văn bản; chữ ký số cũng chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích sử dụng. Bên cạnh đó nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, an ninh hệ thống đã tạo ra tâm lý dè chừng khi sử dung, áp dụng văn bản điện tử trong giao dịch xử lý công việc của cơ quan nhà nước. Chúng ta thấy rằng thiếu nền tảng pháp lý trong văn bản điện tử trong dịch vụ hành chính thì việc kiểm soát, cắt giảm thời gian không chính thức trong giải quyết thủ tục hành chính, khó thực hiện về thực chất.
Thực tế khẳng định đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định sự thất bại của công cuộc cải cách hành chính. Vì vậy, cần tập trung sắp xếp, hoàn thiện bộ máy trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức quản trị, tạo sự đồng bộ, thống nhất và khoa học trong quản lý, tổ chức, vị trí việc làm cho từng loại hình cơ quan ở các cấp chính quyền. Từ đó hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu quản lý.
Không đổi mới, tái cơ cấu tổ chức bộ máy thì việc tinh giản 10% như chúng ta đang triển khai chỉ là phần ngọn. Tình trạng vừa thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, vừa thừa đội ngũ công chức không thạo việc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Thực tế, với bộ máy hiện nay khó có cơ sở và điều kiện để cải cách tiền lương một cách triệt để, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu, đổi mới sâu rộng nền kinh tế, nhu cầu cấp thiết phải có bộ máy, đội ngũ cán bộ với quyết tâm tái cơ cấu tư duy của chính mình, nhằm đổi mới, sáng tạo trong hành động; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân để biến quyết tâm chính trị của quốc gia sớm trở thành hiện thực.
Xin cám ơn Quốc hội./.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn