Mới ở mức thí điểm
Chuyện trồng rau sạch theo hướng VietGap trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) cách đây hơn 3 năm, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quảng Điền phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện với diện tích 1,6 ha. Mô hình được triển khai sản xuất thành công ngay từ vụ thí điểm đầu tiên. Cũng từ đó, người dân xã Quảng Thành từng bước nhân rộng mô hình, đến nay có trên 30 ha.
Ông Hồ Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, việc chuyển đổi diện tích rau truyền thống sang mô hình theo tiêu chuẩn VietGap là chủ trương của huyện Quảng Điền. Sau khi triển khai trồng 30 ha ở xã Quảng Thành, ngành nông nghiệp huyện khảo sát, quy hoạch đất đai, tiếp tục mở rộng mô hình trên địa bàn huyện, tập trung ở các xã Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng An… Để nguồn rau đảm bảo yêu cầu vệ sinh, UBND huyện chọn vùng sản xuất hợp lý, hỗ trợ giống và được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn. Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap cho nông dân triển khai nhân rộng. Đến nay, diện tích rau sạch trên địa bàn huyện khoảng 100 ha. Mỗi năm, người dân thu hoạch 10 vụ rau sạch, bình quân mỗi ha thu nhập 180 triệu đồng, lãi ròng 150 triệu đồng.
Việc nhân rộng mô hình trồng rau sạch trên địa bàn tỉnh cũng là chủ trương được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm. Sở NN&PTNT đã có những động thái tích cực trong việc triển khai nhân rộng mô hình và cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện sản xuất rau sạch. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình. Vừa qua, ngành nông nghiệp và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện mô hình thí điểm tại Hợp tác xã (HTX) Hương Long (TP Huế) 0,5 ha; các HTX Hương Chữ, HTX Hương An (thị xã Hương Trà) 2,5 ha... Các loại rau chủ yếu là cải, hành, ngò, xà lách… Tuy nhiên, đến nay phần lớn mô hình trồng rau sạch ở các địa phương trên mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm.
Để có đầu ra ổn định...
Bà Nguyễn Thị Hương, nhân viên quản lý ngành hàng, siêu thị Thuận Thành cho biết, từ khi HTX Kim Thành sản xuất thành công mô hình trồng rau sạch, HTX Thuận Thành đã hợp đồng thu mua sản phẩm sau khi đã được sơ chế, tẩy rửa tại doanh nghiệp Hoá Châu. Tuy nhiên, số lượng rau sạch của HTX Kim Thành được tiêu thụ tại siêu thị Thuận Thành còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30 kg mỗi ngày. Lý do mà siêu thị thu mua với số lượng ít là do nhiều người dân hiện nay chưa phân biệt được đâu là rau sạch, rau không đảm bảo an toàn nên ít ưa chuộng rau ở siêu thị.
|
Đến nay, diện tích rau toàn tỉnh đạt 3.200 ha, sản lượng bình quân mỗi năm ước khoảng 130 ngàn tấn; trong đó, rau sạch khoảng vài trăm ha, chiếm khoảng 10%. Phần lớn diện tích rau truyền thống ở các địa phương trồng manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm chưa được quan tâm theo dõi, kiểm định và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Chủng loại thiếu đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả bấp bênh... Theo Sở NN&PTNT, những trở ngại lớn trong việc chuyển đổi phương thức trồng rau truyền thống sang rau sạch, là do nhiều người tiêu dùng còn thiếu thông tin thị trường, chưa thay đổi nhận thức và thiếu quan tâm trong việc sử dụng rau sạch. Các cơ sở chế biến, bảo quản còn thiếu, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn chưa hình thành hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định, chủ yếu một vài siêu thị tổ chức thu mua rau của nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hương, nhân viên quản lý ngành hàng, thuộc siêu thị Thuận Thành cho biết, siêu thị đã liên kết với Hợp tác xã Kim Thành (huyện Quảng Điền) và các địa phương tổ chức thu mua rau sạch cho nông dân, nhưng với điều kiện sản phẩm phải đạt yêu cầu chất lượng. Siêu thị còn liên kết với khoa Nông học-Trường đại học Nông lâm Huế, tiêu thụ sản phẩm rau sạch do khoa sản xuất tại HTX Hương Long... Tuy nhiên, mô hình và diện tích rau sạch trên địa bàn tỉnh quá hạn chế nên số lượng sản phẩm cung ứng bình quân mỗi ngày khoảng vài chục tạ, không đáp ứng nhu cầu. Các siêu thị cần khảo sát các mô hình sản xuất rau sạch và truyền thống. Qua đó, liên kết với chính quyền, các HTX, bà con nông dân để có biện pháp mở rộng diện tích mô hình trồng rau sạch. Đối với các vùng trồng rau truyền thống, “bốn nhà” cần nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm, trình diễn để chuyển giao các quy trình sản xuất cho nông dân nhân rộng diện tích rau sạch. Các siêu thị cũng cần đặt hàng, yêu cầu số lượng, chất lượng, chủng loại sản phẩm để các địa phương có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp phía cơ quan chức năng cần quan tâm cải tạo, xây dựng hạ tầng sản xuất, mở rộng thị trường, chứng nhận điều kiện sản xuất an toàn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...
Hải Triều - http://www.baothuathienhue.vn