Làng bún Ô Sa, xã Quảng Vinh được hỗ trợ nguồn vốn KC cho sản phẩm bún khô.
30 năm gắn bó với nghề sản xuất gạch ngói ở làng nghề Thủy Phú, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà), gia đình anh Cao Thắng luôn trăn trở bởi lượng khói bụi từ các lò nung thủ công ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình và khu vực xung quanh. Song, do thiếu vốn, không có nghề ổn định nên không còn cách nào khác là phải bám nghề. Đầu năm 2016, thông qua Phòng Kinh tế thị xã, anh Thắng được Sở Công thương phê duyệt đề án đầu tư thiết bị tiên tiến sản xuất củi trấu với mức hỗ trợ 57 triệu đồng trên tổng trị giá đầu tư 114 triệu đồng.
Anh Cao Thắng chia sẻ: “Nếu không được hỗ trợ 50% kinh phí từ nguồn vốn KC để trang bị máy ép củi trấu, chắc gia đình tôi khó có thể từ bỏ nghề sản xuất gạch ngói mặc dù vẫn biết gây ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn vốn mồi, giúp tôi mạnh dạn đầu tư, tạo nghề mới và giải quyết việc làm cho cả gia đình. Máy ép củi trấu còn góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do người dân vứt trấu bừa bãi ở khu vực nông thôn”.
Phó Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Hương Trà Nguyễn Ngọc Chính khẳng định: “Hương Trà là địa phương có một số nghề truyền thống, nhưng đa số các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ và vừa nên việc đầu tư máy móc hiện đại để chuyển đổi ngành nghề là cần thiết. Do nội lực còn hạn chế nên các nguồn vốn từ ngân sách thị xã chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn vốn KC tỉnh góp phần rất lớn trong việc đầu tư thiết bị sản xuất tiên tiến, đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn.”
Gần 10 năm nay, hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn (CSCNNT) trên địa bàn tỉnh vui mừng đón nhận nguồn hỗ trợ của đề án KC thông qua Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ này, các DN và cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm vốn trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Đây là thành công lớn nhất mà đề án KC mang lại trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh phát triển theo hướng bền vững và thân thiện môi trường. “Nếu không nhận được nguồn hỗ trợ của đề án KC, gia đình tôi không thể bỏ ra 80 triệu đồng để mua máy sản xuất bún. Nhận 42 triệu đồng từ nguồn vốn KC hỗ trợ không hoàn lại, tôi mạnh dạn đầu tư thêm 40 triệu để mua máy, phát triển sản xuất”, chủ cơ sở sản xuất bún Nguyễn Thượng ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) nói.
Ngoài việc hỗ trợ thiết bị mới, nguồn vốn KC còn tổ chức chiêu sinh và đào tạo nghề cho hàng trăm lao động tại địa bàn nông thôn với các ngành nghề như may công nghiệp, đúc đồng, mây tre đan, thêu... nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các cơ sở vừa và nhỏ trên địa bàn. Các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu phát triển sản xuất của cơ sở, do đó trên 90% lao động sau đào tạo đều được các cơ sở nhận vào làm việc nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động của đơn vị. “Thông qua đề án KC, DN được hỗ trợ 45 triệu đồng để đào tạo nghề may công nghiệp cho 30 học viên. Sau khóa đào tạo, học viên nắm vững các kiến thức căn bản về nghề may, kỹ thuật cắt may, giúp DN đáp ứng các đơn hàng”, Giám đốc Công ty Gia Huynh ở xã Lộc Điền (Phú Lộc), bà Võ Thị Bích Chi bày tỏ.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG
Theo BaoThuaThienHue.vn