Bức tranh thị trường nông sản, đặc sản và thủ công mỹ nghệ Huế
Trong những năm gần đây, hàng nông sản và đặc sản Huế mặc dù số lượng cung cấp chưa lớn, nhưng thương hiệu và giá trị hàng hóa đã có mặt trên kệ hàng nhiều siêu thị lớn cũng như đã có những nhà phân phối lớn đặt hàng, đây là tín hiệu khả quan cho hàng nông sản, đặc sản Huế. Hiện nay, Siêu thị Big C Huế đã tiếp nhận và mở rộng khai thác trên 10 nhà cung cấp hàng nông sản, đặc sản Huế; Siêu thị Co.opMart Huế cũng duy trì và mở rộng khai thác trên 20 nhà cung cấp hàng nông sản, đặc sản trong tỉnh. Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng nông sản và đặc sản trong tỉnh cũng đã tìm kiếm được đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh, nhưng số lượng không lớn chủ yếu là chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong những năm qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa các nhà phân phối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất như: Cơ sở trà cung đình Đức Phượng, cơ sở sản xuất thực phẩm Phạm Thị Khánh Tâm, cơ sở tôm chua Bà Nhồng, trà vả Lộc Mai, dầu tràm Kim Vui…Kết quả bước đầu, là Cơ sở Trà cung đình Đức Phượng đã đưa được sản phẩm vào tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành cả nước qua hệ thống đại lý và siêu thị phân phối. Cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) và đang kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị Co.opMart tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Kim Vui tìm kiếm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Cơ sở tranh đồng Đại Nghĩa tìm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng…
Đối với hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho du lịch của Huế vẫn còn loay hoay ở địa bàn trong tỉnh. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để làm vật dụng sinh hoạt và trang trí thì phụ thuộc vào chất liệu nên giá thành cao; sản phẩm mỹ nghệ sử dụng mây tre còn đơn điệu về mẫu mã, công nghệ xử lý chống ẩm mốc chưa đảm bảo. Nhiều Công ty lữ hành du lịch cho rằng, không riêng gì ở Huế, các sản phẩm lưu niệm của các vùng miền trong cả nước chúng ta chưa đẹp, về mẫu mã thì na ná giống nhau. Những sản phẩm lưu niệm phổ biến như đồ gốm, mây tre đan, gỗ chạm khắc…chưa mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, kích cỡ sản phẩm thường lớn, cồng kềnh, khó vận chuyển nên khách du lịch rất hạn chế mua làm quà lưu niệm, nhất là mua với số lượng từ 5 sản phẩm trở lên.
Ông Nguyễn Lương Bảy, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm được các đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh, nhưng so với số lượng 20 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và 47 sản phẩm nông sản, đặc sản Huế thì con số hàng nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ Huế có thị trường trên cả nước còn rất thấp.
Hàng thủ công mĩ mây tre Huế
Tìm hướng đi thích hợp mở rộng thị trường
Tại hội nghị kết nối, phát triển thị trường hàng nông sản, đặc sản Huế và hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức vào ngày 21/12/2016 vừa qua, trong vai trò kết nối và hỗ trợ, Sở Công Thương đã nêu ra nhiều vấn đề để các nhà sản xuất (có hàng bán) và nhà phân phối (mua hàng để bán) trao đổi, thảo luận để tìm hướng đi thích hợp nhằm đưa các sản phẩm của mình có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cũng như hợp tác để đưa tiêu thụ sản phẩm nông sản tại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp dịch vụ thương mại.
Bà Nguyễn Thanh Mai, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Hapro Đà Nẵng cho biết, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) hoạt động trong 02 lĩnh vực chính là kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, ngoài ra cung ứng các dịch vụ như du lịch lữ hành và sản xuất, chế biến hàng thực phẩm, gia vị, thủ công mỹ nghệ...Hàng nông sản mà Hapro muốn kết nối, tiêu thụ đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng và nguồn cung khi có thị trường tiêu thụ; đối với sản phẩm nông sản Huế mặc dù đã có thương hiệu nhưng để phát triển, Huế cần có sản phẩm dẫn đường và nên phát triển từ 2 đến 3 sản phẩm chủ lực, có tiềm năng để tạo ra lượng sản phẩm lớn, đồng thời phải có sự liên kết chặt chẽ vùng miền và các cơ sở sản xuất với nhau nhằm tạo sự phát triển bền vững.
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An Giang) cho biết, trong năm 2016, Thừa Thiên Huế tổ chức 2 lần kết nối, phát triển thị trường sản phẩm nông sản, đặc sản Huế và thủ công mỹ nghệ, điều này cho thấy sản phẩm của Huế đã có sự thay đổi. An Giang là tỉnh giáp với Cam-pu-chia, lượng hàng hóa giao thương rất lớn, để đa dạng sản phẩm kinh doanh, siêu thị sẽ nghiên cứu kết nối làm đầu mối tiêu thụ một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông sản Huế để bán cho khách du lịch.
Đứng về phía các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng nông sản, đặc sản Huế và thủ công mỹ nghệ Huế, ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ cơ sở sản xuất Trà cung đình Huế cho hay, giá trị trên một đơn vị sản phẩm hàng nông sản và đặc sản là thấp, số lượng sản xuất không lớn; vì vậy các nhà phân phối, nhất là các Siêu thị cần tính toán để giảm chi phí hoặc cắt hẳn chi phí khi đưa hàng nông sản, đặc sản lên kệ hàng; bởi nếu thêm chi phí này, cơ sở sản xuất sẽ bị lỗ vì hầu hết sản phẩm nông sản đều có thời gian sử dụng ngắn, nếu tăng giá thì người tiêu dùng khó chấp nhận, ngoài ra việc thu mua nguyên liệu đầu vào rất bấp bênh theo mùa vụ…
Hàng đặc sản Huế
Có thể thấy, việc ngành Công thương tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối đã giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản của tỉnh có cách nhìn đa dạng hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi và đa dạng mẫu mã nhằm đưa các sản phẩm tiếp tục giữ thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh, khẳng định, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, ngành Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm nông - đặc sản vốn nổi tiếng của Huế như dầu tràm, mắm, nước mắm, ruốc, tôm chua, bún Vân Cù, đồng thời mở rộng các sản phẩm nông sản đang là tiềm năng như vịt trời nuôi, thịt heo rừng nuôi, gạo chất lượng cao, các loại nấm ra các thị trường lớn ở trong nước như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông và Tây nam bộ.
Trên cơ sở của việc kết nối, mở rộng thị trường, ngành Công Thương tỉnh sẽ tham mưu cho tỉnh các chính sách về khôi phục và phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề nhằm đẩy mạnh sản xuất, đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thị trường ngoài nước. Ông Nguyễn Thanh cho biết thêm.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn