|
|
Liên kết website
Chính phủ Bộ, cơ quan ngang bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, Ban, Ngành tỉnh TT Huế
|
Cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa Ngày cập nhật 23/05/2012 Đó là ý kiến của một số đại biểu tại hội thảo quốc tế về quản lý nợ công, do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội. Theo các đại biểu, cơ cấu nợ rủi ro thường đưa đến những chính sách kinh tế, tài khóa tiền tệ không hợp lý.
Ngoài ra, việc quá tập trung vào tiết kiệm chi phí thông qua vay nợ ngắn hạn nhiều hay vay nợ với lãi suất thả nổi khiến cho ngân sách phải chịu những rủi ro khi khoản nợ đến hạn phải quay vòng; Vấn đề nợ ngoại tệ cũng gây ra rủi ro về tỷ giá; Việc cơ cấu nợ kém là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm sút, khủng hoảng nợ công và bài toán thâm hụt ngân sách ở khu vực đồng Euro, Mỹ, Nhật Bản… dường như vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, tất cả những diễn biến phức tạp này đòi hỏi nhiều nền kinh tế trên thế giới buộc phải tái cấu trúc lại. Một điểm mấu chốt trong tất cả các chương trình tái cơ cấu đó là đảm bảo bền vững nợ công gắn liền với ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Đối với Việt Nam, nguồn vốn vay nợ của Chính phủ đã, đang và sẽ vẫn là nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng có hiệu quả các khoản vay nợ và gắn liền vay nợ với ổn định tài khoá và đảm bảo an toàn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
(Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung)
|
Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Các cơ quan quản lý nợ, quản lý tài chính và tiền tệ cần chia sẻ thông tin về nhu cầu thanh khoản của Chính phủ hiện nay và trong tương lai. Cơ quan quản lý nợ cần thông báo kịp thời cho Chính phủ về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự bền vững của nợ khi mới xuất hiện. Cơ quản quản lý tiền tệ cần thông báo cho cơ quan quản lý tài chính về tác động của mức độ nợ của Chính phủ đến việc đạt được những mục tiêu tiền tệ...
Cũng đồng tình với các ý kiến này, Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Quốc gia WB cho biết thêm: Khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã đặt những câu hỏi lớn là làm sao để kiểm soát chính sách tài chính phù hợp với yêu cầu phát triến của Việt Nam khi kinh tế toàn cầu sụt giảm, đồng thời đảm bảo sự bền vững về nợ. Và đây cũng là những vấn đề đặt ra thách thức quan trọng cho các nhà lập chính sách và quản lý nợ. Theo đó, các nhà lập chính sách phải đối mặt với một vấn đề khó khăn là hài hoà chính sách. Một mặt, các biện pháp ngặt nghèo về tài chính có thể ảnh hưởng xấu tới khôi phục kinh tế. Mặt khác, những lựa chọn về tài chính ngày càng trở nên hạn chế và gánh nặng nợ tăng có thể làm “xói mòn lòng tin” của thị trường. Các nhà quản lý nợ của Chính phủ chịu trách nhiệm về giải quyết các danh mục nợ phức tạp hơn trước đây, đánh giá và kiểm soát rủi ro và tư vấn cho các nhà lập chính sách về những lựa chọn và tính bền vững của những lựa chọn chính sách.
Theo bà Victoria KwaKwa, các nhà lập chính sách có thể học tập kinh nghiệm từ Ấn độ, Ai len và Thái lan về việc xây dựng chính sách tài chính có tính “trách nhiệm cao” và diễn biến về nợ của Việt Nam...
Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và rút ra các bài học trong công tác quản lý nợ ở mỗi quốc gia. Hội thảo sẽ giúp các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ cũng như lãnh đạo của UBND, Sở Tài chính ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có một cách nhìn tổng quan nhất về tình hình nợ công trên thế giới cũng như tầm quan trọng của công tác quản lý nợ thận trọng đối với an ninh tài chính Quốc gia. Các nội dung trình bày tại Hội thảo cũng sẽ là những thông tin tham khảo bổ ích giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ của Chính phủ, trong đó việc quản lý nợ của các địa phương cũng có một vai trò đặc biệt quan trọng.
|
Theo www.taichinhdientu.vn Các tin khác
|
Thống kê truy cập Truy câp tổng 3.348.777 Truy câp hiện tại 793
|
|