Âm vọng sông Hương như bức tranh thủy mặc
Bằng sự tài tình trong khâu diễn xuất, sự điều phối âm thanh, âm nhạc; sự hài hòa của bối cảnh, chuyển động múa và trình diễn các khúc thức lao động đã làm nên một bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một góc chợ cá ven sông, một cây đa, giếng nước, sân đình... cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế.
Âm vọng sông Hương là câu chuyện kể về một vòng đời của người dân sông nước Huế
Từ khi họ yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái, đến khi con cái trưởng thành, nối tiếp cha ông làm nghề trên sông nước, rồi kết thúc, lại mở ra một vòng đời khác, thế hệ khác. Cứ thế, vòng đời của người dân nối nhau như dòng chảy dòng sông, ôm lấy Huế, bảo vệ Huế, xây dựng Huế, giữ gìn Huế, che chở và bao bọc Huế.
Âm vọng sông Hương lưu giữ những cảm xúc sâu lắng trong ký ức người xem
Giản dị và sâu lắng, mượt mà và chân thực, mộc mạc và ấn tượng đi vào trong sâu thẳm của tinh thần Huế, gợi mở và níu kéo niềm thương nhớ, chan chứa yêu thương của tình người dân xứ Huế, lấp lánh trong cõi nhớ, trong cõi tâm, trong cõi tình một Huế bản sắc, một Huế chầm chậm đi, chầm chậm nhớ, chầm chậm yêu, chầm chậm hát và chầm chậm theo thời gian trôi….
Âm vọng sông Hương xứng đáng là chương trình nghệ thuật dành tặng cho Huế, dành tặng cho những ai yêu Huế, dành tặng cho một vùng đất xứng đáng để tôn vinh, để tri ân, để tự hào. Đặc biệt, đây cũng là chương trình mà người dân xứ Huế tham gia đông đảo nhất bằng chính cuộc sống tình cảm và công việc của mình. Những làn điệu, ca khúc, âm nhạc vang lên như thể nhắc nhở muôn vàn người con xứ Huế hãy luôn hướng về những giá trị văn hóa truyền thống và làm nó hiện hữu giữa cuộc đời trong một nét văn hóa riêng của con người xứ Huế: Hò ru con, Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hầu văn Huế: “Cảnh đẹp Huế đô”, Dàn nhạc dân tộc: “Buổi sáng trên sông Hương”, Ca khúc “Mẹ tôi”, Hò mái nhì, Ban nhạc sáo trúc: Cánh chim tự do, Dàn nhạc dân tộc: Người em Vỹ Dạ, Sáo đơn: Điệu Hành vân, Huế, Xẩm Huế, Hò đối đáp, Dàn nhạc dân tộc: Ngược dòng Hương Giang, Đàn nguyệt: Cảm xúc quê hương, Ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn...tất cả là tiếng lòng, là hơi thở mang dư vị của một Huế đậm tình trong ngày hội quê hương.
Khai màn là hoạt cảnh chung về cuộc sống yên bình của ngư dân sông nước.
Phần 1: "Hàn Mặc Tử", mối tình buồn gắn liền với cô gái Vỹ Dạ có tên là Kim Cúc.
Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Phần 2: "Trên sông Hương", tái hiện cuộc sống, hoạt cảnh đời thường của người dân... liên kết theo hình thức chương hồi là sự chuyển cảnh logic, được thể hiện sinh động thông qua chuỗi hình ảnh mà nhóm CTV truyền thông chúng tôi đã ghi nhân được:
"Dòng sông ai đã đặt tên để người đi nhớ Huế khôn nguôi, xa con sông xa bao nỗi nhớ...người đi nhớ mãi một dòng sông...dòng sông hát mãi một nguồn thơ"
- Lời bài hát kết thúc 90 phút của chương trình, đi vào ký ức người xem, trở thành tiềm thức quá đẹp về một Huế của hôm qua và Huế của hôm nay