|
|
Liên kết website
Chính phủ Bộ, cơ quan ngang bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, Ban, Ngành tỉnh TT Huế
|
Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) Ngày cập nhật 28/02/2013
Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
( Góp ý trực tuyến)
Tóm tắt dự thảo:
1. Các chính sách nhằm tạo tâm lý ổn định cho người nông dân an tâm canh tác
- Vấn đề đặt ra:
Luật Đất đai hiện hành quy định thời hạn giao đất cho người nông dân sử dụng khá ngắn và hạn mức người dân được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp khá hạn hẹp, cụ thể:
“Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 70 của Luật này là hai mươi năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 70 của Luật này là năm mươi năm” (khoản 1, Điều 67, Luật Đất đai hiện hành).
“Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba héc ta đối với mỗi loại đất; hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi” (khoản 1, 2, Điều 70, Luật Đất đai 2003).
Với quy định trên, người nông dân chưa có tâm lý ổn định đầu tư vào đất để nâng cao năng suất sử dụng đất. Trong khi đó, đất đai là một trong những điều kiện của sản xuất lớn. Trên thực tế để thực hiện việc tích tụ ruộng đất, người nông dân đã phải nhờ đến người thân, bạn bè, gia đình đứng tên để nhận chuyển quyền sử dụng đất để lấy đất canh tác theo quy mô lớn. Tuy nhiên, cách làm này không có cơ sở pháp lý rõ ràng và dễ gây ra những tranh chấp về đất đai. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai là tạo các cơ chế pháp lý nhằm tạo được tâm lý ổn định canh tác cho người dân.
Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp - không bao gồm đất lâm nghiệp - là hơn 10 triệu ha, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân.
Mỗi hộ nông dân trung bình có 5 thửa đất, mỗi thửa đất nông nghiệp có diện tích trung bình là 0,14 ha. Nếu thực hiện “dồn điền đổi thửa” một cách hoàn hảo và lý tưởng nhất, mỗi hộ nông nghiệp khi đó có duy nhất 1 thửa ruộng thì thửa ruộng đó mới chỉ có diện tích là 0,7 ha.
Nước ta đang có khoảng 100.000 trang trại, với tổng diện tích đất khoảng 500.000 ha; như vậy, diện tích bình quân mỗi trang trại là 5 ha. Muốn hình thành 1 trang trại thì trung bình phải gom đất của ít nhất 7 hộ gia đình.
- Nội dung chính sách được đề cập trong dự án:
Để giải quyết vấn đề đã nêu trên, Dự thảo Luật đã đề ra một số chính sách như sau:
Thứ nhất, thời hạn Nhà nước giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng được nâng lên mức 50 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá năm mươi (50) năm (Điều 109, Dự thảo Luật).
Thứ hai, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá mười (10) lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
“Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba (03) héc ta đối với mỗi loại đất; hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười (10) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi (30) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi” (Điều 112, Dự thảo Luật).
Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ (Điều 113, Dự thảo Luật).
2. Các chính sách giải quyết các bất cập về giá đất hiện nay
- Vấn đề đặt ra:
Theo Luật Đất đai 2003, giá đất được Nhà nước ban hành theo khung giá đất và bảng giá đất nhưng “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, khi triển khai quy định này đã gặp rất nhiều điểm bất cập. Vì thế, hiện nay đang tồn tại song song hai hệ thống giá đất (giá đất nhà nước ban hành và giá đất trên thị trường) trong đó, giá đất nhà nước ban hành thường chỉ bằng 30-70% so với giá đất của thị trường. Điều này dẫn tới nhiều bất cập, đặc biệt là khi Nhà nước bồi thường thu hồi đất.
- Nội dung chính sách được đề cập trong dự án:
Để khắc phục các bất cập nêu trên, Dự thảo Luật đã đưa ra một số chính sách như sau:
- Điều 96, Dự thảo Luật quy định, nguyên tắc “Nhà nước quyết định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”;
- Điều 97, Dự thảo Luật quy định, “Chính phủ quy định khung giá các loại đất, giá đất chuẩn thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh khung các loại giá đất cho phù hợp”. Tập tin đính kèm: Các tin khác
|
Thống kê truy cập Truy câp tổng 3.348.777 Truy câp hiện tại 763
|
|