Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình một số vấn đề về Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Ngày cập nhật 23/10/2019

Sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Sau khi lắng nghe các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phát biểu giải trình, tiếp thu về các nội dung được đóng góp cho dự thảo Luật.  

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đánh giá dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hoá đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Do vậy, việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong thời điểm này là cần thiết để đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn có sự quản lý của nhà nước, nhằm phát huy được năng lực sức khoẻ của nền kinh tế quốc gia.

luat ck-Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, tiếp thu về các nội dung được đóng góp cho

dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Quan tâm đến nội dung xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều hành vi thao túng, giao dịch có dấu hiệu nội gián, do đó dự thảo Luật cần quy định để tăng cường phòng ngừa thông qua việc nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các DN cũng như các bên tham gia TTCK, bên cạnh tăng chế tài xử phạt mang tính răn đe. Theo đại biểu, mức xử lý vi phạt tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật, đồng thời mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng là chưa mang tính răn đe trong xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, đại biểu đề nghị ngoài phạt tiền cần tăng cường chế tài xử phạt bổ sung như treo giao dịch cổ phiếu, rút giấy phép hành nghề…, khắc phục tình trạng nộp tiền phạt xong vẫn vi phạm. Ngoài ra, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế, thực thi.

Về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng việc quy định trong dự thảo luật lần này còn chưa đủ, chưa tạo được khuôn khổ pháp lý cho Sở GDCK tổ chức, vận hành với tư cách là một doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra. Theo đại biểu, thế giới ngày nay đang tổ chức lại mô hình tổ chức này theo hướng sáp nhập các sở giao dịch. Nhiều nơi thành lập tập đoàn liên quốc gia phù hợp với vận hành thể chế kinh tế toàn cầu. Đây là xu hướng rất đúng mà chúng ta nên chào đón. Theo đó, đại biểu đề nghị phải rà soát lại quy định tại Điều 42 và Điều 45 theo hướng trao cho Thủ tướng quy định về quyền, nghĩa vụ và quyền hạn của Sở GDCK nói chung, còn phân tầng ra là Sở GDCK Việt Nam và các sở GDCK ở các điểm thành lập, nên quy định cụ thể bởi văn bản của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng ta đã trao cho Thủ tướng quyền thành lập về tổ chức thì cũng nên trao cho Thủ tướng quyền quy định cho nó nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể để bảo đảm tính nhất quán trong tổ chức về thị trường, đây là thị trường đặc biệt. Ở đây chúng ta chỉ quy định có tính nguyên tắc còn văn bản của Thủ tướng sẽ quy định cụ thể”, đại biểu nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng vấn đề tổ chức sắp xếp lại các sở GDCK để đảm bảo hoạt động có hiệu quả là yêu cầu hết sức cấp thiết, song thẩm quyền này nên giao cho Thủ tướng Chính phủ để kịp thời đổi mới phương thức hoạt động, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK.

Đã đủ điều kiện đánh giá và luật hoá quy định chào bán riêng lẻ

Một vấn đề nữa được các đại biểu quan tâm là chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Điều 29 dự thảo luật hiện nay quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ bao gồm cổ phiếu và trái phiếu của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo của quy định Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, do đó cần phải làm rõ pháp luật nào để làm căn cứ hướng dẫn triển khai thực hiện. Để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu đề nghị quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tương tự như công ty đại chúng và phải được quy định cả ở Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Quy định như vậy là phù hợp và đảm bảo thống nhất liên thông giữa hai luật. Luật Doanh nghiệp quy định loại hình doanh nghiệp gì, như thế nào thì được quyền phát hành trái phiếu, còn Luật Chứng khoán sẽ quy định cụ thể về hoạt động chào bán riêng lẻ, vì trái phiếu là một loại chứng khoán.

Về nội dung này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng nên nghiên cứu nguyên tắc pháp điển hóa. Tại kỳ họp đầu năm, UBTVQH đã có kết luận nên luật hoá các quy định tại Nghị định 163/2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Sau khi rà soát tại Nghị định 163, đại biểu cho rằng cơ bản phát hành trái phiếu của công ty đại chúng và công ty không đại chúng như nhau, nếu có quy định tại Luật Doanh nghiệp phải dẫn chiếu sang Luật Chứng khoán, vì trái phiếu là một loại chứng khoán, phát hành trái phiếu của công ty đại chúng và không đại chúng cũng như nhau, dù để ở luật nào thì cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán cũng phải quản lý vấn đề này. Do vậy, cần phải làm rõ vấn đề này trong Luật Chứng khoán và cả Luật Doanh nghiệp để đảm bảo chặt chẽ và không bị lợi dụng.

Cũng theo đại biểu, việc phát hành TPDN sơ khai đã có từ năm 1994, sau này là Nghị định 120 của Chính phủ, sau đó có Nghị định 52/2006, Nghị định 90/2011 và hiện nay là Nghị định 163/2018. Như vậy, đã có đủ điều kiện để đánh giá và luật hoá vấn đề này. Cần phải rà soát, pháp điển hoá, đưa những vấn đề mà Nghị định 163 quy định đã ổn định, hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu điều hành, phát triển của TTCK để đưa vào Luật Chứng khoán, đại biểu đề nghị.

Chào bán trái phiếu riêng lẻ cần được quy định tại cả hai luật

Phát biểu thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010 đã bổ sung quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cụ thể về chào bán chứng khoán riêng lẻ tại điều 123. Tuy nhiên, với trái phiếu là hình thức huy động vốn vay nên chỉ quy định chung là công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật. Đối với công ty TNHH, Luật Doanh nghiệp không quy định rõ quyền phát hành. Như vậy Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa thực sự quy định rõ vấn đề này.

Tuy nhiên, trên thực tế phát hành, từ năm 1994 Chính phủ đã có Nghị định 120, đến năm 2006 có Nghị định 52 thay thế 120 và áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp. Năm 2011, tiếp tục có Nghị định 90 thay thế và gần đây nhất là Nghị định 163 năm 2018. Các Nghị định 90 hay 163 đều căn cứ vào cả 2 Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy việc phát hành riêng lẻ đã có hành lang pháp lý từ rất lâu, không phải chỉ có từ năm 2018 với Nghị định 163. Thực tế, từ Nghị định 90 đến 163 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường trái phiếu và quy mô thị trường theo đó cũng phát triển rất nhanh.

Khi xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm 2019, tại nhóm chính sách thứ nhất về hàng hoá trên TTCK, Bộ Tài chính đã kiến nghị đưa nội dung chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng nhằm nâng cao tiêu chuẩn hàng hoá trên thị trường, thông qua việc chuẩn hoá điều kiện, trình tự thủ tục chào bán. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đã gửi cơ quan thẩm tra về đánh giá tác động cụ thể nội dung này.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc phát hành chứng khoán, gồm cả cổ phiếu và trái phiếu liên quan đến cả 2 Luật trên. Tuy nhiên cần phân định phạm vi điều chỉnh từng luật, đồng thời có quy định tương thích và liên thông giữa các luật. Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp trong việc phát hành chứng khoán, trong đó công ty cổ phần phát hành cổ phiếu và trái phiếu, công ty TNHH được phát hành trái phiếu mà không được phát hành cổ phiếu, đây là nội dung cần được làm rõ khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp sắp tới. “Do vậy, việc phát hành chứng khoán cho ai, quản lý thế nào, công bố thông tin, giám sát thế nào thì cần được quy định tại Luật Chứng khoán, là luật chuyên ngành, như ý kiến đại biểu đã phát biểu”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thực tế, đây cũng là kinh nghiệm quốc tế đã triển khai. Từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, để đẩy mạnh thị trường TPDN thành kênh cung ứng vốn dài hạn và cân bằng cho thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào vốn ngắn hạn ngân hàng, nhiều nước đã quy định cụ thể về phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng vào Luật Chứng khoán.

Từ tình hình nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng phương án tối ưu là quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng cần thực hiện theo cả 2 luật để đảm bảo khung khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, rõ ràng, bởi thị trường trái phiếu luôn có rủi ro nhất định cần quản lý chặt chẽ. Về nguyên tắc, Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được huy động vốn trái phiếu, Luật Chứng khoán quy định nguyên tắc chung về chào bán trái phiếu.

Cụ thể, theo cơ quan soạn thảo, điều 29 của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nên được sửa theo hướng: Khoản 1 quy định chào bán cổ phiếu riêng lẻ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật liên quan; Khoản 2 quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và pháp luật liên quan, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung như điều kiện phát hành, hồ sơ, thủ tục, nghĩa vụ công bố thông tin, giao dịch, giám sát xử lý vi phạm…

Sau phiên thảo luận này, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện để trìnhcác đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào ngày 26/11, theo chương trình dự kiến.   

  Q.H

(Theo mof.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 415
Chung nhan Tin Nhiem Mang