Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá đã trả lời phỏng vấn
PV: Thưa ông, việc tăng giá xăng dầu được coi là tất yếu khi giá cơ sở còn cao hơn giá bán lẻ trong nước và quỹ bình ổn xăng dầu đã sử dụng hết. Ông có thể cho biết cơ chế vận hành của quỹ được quy định cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở Nghị định 84, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư 234/2009/TT-BTC thì: "Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối.Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các thương nhân đầu mối thực hiện". Như vậy, việc trích lập quỹ BOG là chi phí bắt buộc và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khi mặt bằng giá thế giới lên cao, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ thì tùy vào tình hình giá cả thị trường và mục tiêu điều hành giá cả của Chính phủ, nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để điều tiết, trong đó có sử dụng Quỹ BOG.
Hiện nay, Quỹ BOG đang được đặt ngay tại các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Việc sử dụng quỹ này không phải do DN quyết định mà thực hiện theo chỉ đạo và giám sát của Liên Bộ Tài chính-Công thương theo yêu cầu quản lý và điều hành giá của từng thời kỳ.
PV: Ồng có thể cho biết cụ thể hơn về việc quỹ đã phát huy tác dụng bình ổn thị trường xăng dầu như thế nào trong 4 lần điều chỉnh mức sử dụng quỹ gần đây vào những tháng đầu năm 2013 này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới biến động chủ yếu theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô,kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán, Liên Bộ Tài chính-Công thương thay vì điều chỉnh tăng giá để phù hợp với giá xăng dầu thế giới đã cho phép các DN được sử dụng và tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (từ đầu năm 2013 đã có 04 lần điều chỉnh mức sử dụng Quỹ BOG), như vậy, nếu không có Quỹ BOG thì giá bán xăng dầu trong nước từ cuối năm 2012 đã phải tăng nhiều lần, đặc biệt từ đầu năm 2013 đã phải tăng liên tiếp 4 lần,
Lần thứ nhất ngày 15/1/2013: nếu không sử dụng Quỹ BOG (300 đồng/lít,kg) thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng khoảng 300 đồng/lít,kg tùy từng chủng loại;
Lần thứ hai ngày 28/1/2013: nếu không sử dụng Quỹ BOG thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng thêm từ 200 – 500 đồng/lít,kg.
Lần thứ ba ngày 8/2/2013: nếu không sử dụng Quỹ BOG thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng thêm từ 200 – 500 đồng/lít,kg.
Lần thứ tư ngày 26/2/2013: nếu không sử dụng Quỹ BOG và tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng từ 1.000 – 2.300 đồng/lít,kg.
Cho đến cuối tháng 3/2013, khi số dư Quỹ BOG không còn, do sử dụng Quỹ BOG trong một thời gian dài ở mức cao (từ giữa tháng 8/2012 đến đầu tháng 11/2012 và từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 3/2013), trong khi mức trích Quỹ BOG không thay đổi (300 đồng/lít,kg) – mức sử dụng cao hơn mức trích nên tính đến cuối tháng 3/2013 thì nguồn lực Quỹ BOG không còn (số dư Quỹ BOG bị âm). Cụ thể:
Tính đến ngày 20/2/2013, ước số dư quỹ BOG khoảng: 758 tỷ đồng, thời điểm này nếu không sử dụng Quỹ BOG, mức tăng giá đã là từ 1000-2300đ/lit,kg tùy từng mặt hàng xăng dầu, nhưng do quỹ còn nên Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã quyết định sử dụng quỹ thay vì tăng giá bán. Sau hơn một tháng sử dụng quỹ với mức khá cao lên đến 2000đ/lit xăng, 800đ/lít dầu diezen, 1150 đồng/lít dầu hỏa và 650 đồng/kg dầu madut và tính đến ngày 28/3/2013 tổng số dư quỹ đã bị âm ước khoảng 524 tỷ đồng. Sau khi cân nhắc Liên Bộ thống nhất ngừng sử dụng quỹ và tăng giá bán.
PV: Thưa ông, công tác quản lý, kiểm tra giám sát sử dụng Quỹ BOG được thực hiện theo cơ chế nào? Và trong thời gian tới cơ chế này được hoàn thiện như thế nào để người dân có thể giám sát sự công khai minh bạch trong hoạt động của quỹ?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc trích, sử dụng và hạch toán của Quỹ BOG được quy định hết sức cụ thể trong các quy định của pháp luật. Theo đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính - Công Thương (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên Ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Qũy Bình ổn giá; Quỹ Bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác; Định kỳ hàng Qúy các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với Bộ Tài chính, kể cả trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất. Do đó, bất kể thời điểm nào liên Bộ cũng có thể nắm được số dư Quỹ BOG của DN.
Để đảm bảo hoạt động quản lý quỹ BOG một cách hiệu quả và chính xác, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận (cuối năm 2011 và giữa năm 2012). Bộ cũng đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (cuối năm 2011 về kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010). Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao hiệu quả của Quỹ BOG "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp trong đó có nội dung kiểm tra về trích lập, sử dụng Quỹ BOG để có tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC.
Có thể nói trên thực tế, Quỹ BOG đã được điều hành một cách hết sức công khai, rõ ràng. Trong thời gian tới cùng với yêu cầu sửa đổi toàn diện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ thì Bộ Tài chính cũng xem xét đề nghị bổ sung quy định công khai, minh bạch về quỹ BOG hơn nữa để người dân giám sát.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
NA ghi
Theo http://www.mof.gov.vn