Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chính sách tài khóa nào cho Việt Nam trong năm 2010?
Ngày cập nhật 15/03/2010

Năm 2010 - năm cuối thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, việc lựa chọn đúng chính sách tài khóa sẽ là "chìa khóa" thành công của Việt Nam. Tại buổi Hội thảo “Các vấn đề về chính sách tài khóa sau khủng hoảng” diễn ra sáng 11/3/2010, các chuyên gia tài chính đã chia sẻ quan điểm về chính sách tài khóa sau khủng hoảng.

Quan điểm chung của các chuyên gia tài chính là việc lựa chọn chính sách kinh tế vĩ mô và lựa chọn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần thận trọng.

Tiến sỹ Đỗ Ngọc Huỳnh (Bộ Tài chính) đưa ra một loạt kiến nghị như: cần thực hiện nhất quán quan điểm định hướng đảm bảo kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tiền đề cho tăng trưởng bền vững; Thực hiện chính sách tiền tệ - tài khóa thắt chặt từng bước theo lộ trình một cách linh hoạt; Xem xét đánh giá thực trạng nền kinh tế xét trên quan điểm tổng thể, tránh biến động lớn và thường xuyên trong môi trường chính sách; Chỉ nên ban hành và thực hiện chính sách mới khi thực sự đã xem xét kỹ các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực...; Nên xác định rõ mức độ lạm phát mục tiêu vừa phải và ổn định nhằm tạo môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi và tránh tâm lý kỳ vọng lạm phát; Nên xem xét giảm mức độ tăng cung tiền và tăng tín dụng, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ thắt chặt một cách linh họat...

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả gợi ý: Trọng tâm ngắn hạn của chính sách tài khóa là giữ vững mức động viên vào ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 1/4 GDP - không giảm nhưng cũng không được tăng để không tăng thêm gánh nặng huy động vào NSNN. Bên cạnh đó, giảm tối thiểu và tiến tới xóa bỏ sự phân biệt thành phần kinh tế trong thực hiện nghĩa vụ thu nộp NSNN; giảm mức độ thâm hụt NSNN trong lộ trình tiến tới cân bằng cán cân NSNN dài hạn. Nếu chính sách tài khoán nên "trung tính" trong ngắn hạn và chủ động thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế trong trung dài hạn, thì chính sách tiền tệ trở thành công cụ chính sách then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất cần được áp dụng linh hoạt và theo cơ chế thị trường. Lãi suất cơ bản, tái chiết khấu và tái cấp vốn điều chỉnh linh hoạt kết hợp với nghiệp vụ thị trường mở để giải quyết hai bài toán: bảo đảm nguồn vốn có "giá cả" hợp lý để doanh nghiệp phát triển sản xuất, ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng nóng và kiểm soát lạm phát... 

Được biết, nhờ có việc thực hiện một cách linh họat và đồng bộ các chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy khủng hoảng vào quý 1/2009 với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 5,3%, tỷ lệ lạm phát đã giảm còn 6,88% từ 23% năm 2008, thị trường chứng khoán và các họat động dịch vụ tài chính, ngân hàng được phục hồi từng bước.

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2010 khoảng 6,5% với mức tăng giá thấp hơn 7%. Đây là mục tiêu không đơn giản khi bối cảnh quốc tế chưa thuận lợi hoàn toàn và nhân tố tăng trưởng kinh tế không có thay đổi cơ bản sau một thập kỷ.

(Theo eFinance Online)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.344.565
Truy câp hiện tại 68
Chung nhan Tin Nhiem Mang